Mơn mởn búp chè vào xuân

07:30, 08/03/2022

Vụ chè xuân thường được người nông dân coi trọng bởi đây là khởi đầu của một năm. Tuy sản lượng vụ chè xuân không bằng chính vụ song hương vị lại  được cho là ngon nhất, bởi kết tinh “khí trời, vị đất vào xuân”. Với gần 22.000ha chè trong toàn tỉnh, những ngày này, các nương chè xanh ở khắp các địa phương tại Thái Nguyên đang “hăng hái” đâm chồi, nẩy búp. Đây cũng là lúc người làm chè cần mẫn chăm sóc, thu hái rồi bắt tay vào sao sấy chè thành phẩm.

Đến xã Tức Tranh, một trong những vùng chè có tiếng của huyện Phú Lương, cũng là địa phương có diện tích chè lớn thứ hai toàn tỉnh, chúng tôi được thỏa sức ngắm những nương chè xanh mơn mởn, chứng kiến không khí lao động hăng say của bà con.

Vừa hái chè, vừa rôm rả chuyện trò, chị Nguyễn Thị Côi, xóm Cây Thị vui vẻ: Hôm nay tôi hái chè đổi công cho hàng xóm, còn chè xuân của gia đình tôi khoảng hơn tuần nữa mới được thu. Năm nay, thời tiết rét hơn nên chè sinh trưởng chậm, năng suất dự kiến thấp hơn so với chè vụ xuân mọi năm. Tuy sản lượng chè xuân chỉ bằng 1 nửa so với chè chính vụ song do hương vị  thơm ngon đặc trưng nên giá bán cao hơn từ 20-30%. Hiện chè búp khô chúng tôi bán với giá 140-180 nghìn đồng/kg, cao hơn chè chính vụ từ 30-50 nghìn đồng/kg. Vì vậy, bà con làm chè ai cũng phấn khởi.

Còn ông Lê Văn Khánh, thành viên Làng nghề chè cụm Khe Cốc, xóm Tân Thái, xã Tức Tranh, phấn khởi: Ra Tết, đầu tháng 2 nhà tôi đã thu hái 5 sào chè xuân, sau khi sao sấy, thu được 35kg chè tôm nõn thành phẩm. Toàn bộ là chè sản xuất theo hướng hữu cơ, được Hợp tác xã (HTX) chè an toàn Khe Cốc bao tiêu sản phẩm với giá 400-500 nghìn đồng/kg. Sau khi thu hoạch lứa đầu, tôi đã tập trung chăm sóc, bổ sung đủ nước, phun chế phẩm sinh học phòng sâu bệnh để cây chè sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến khoảng hơn 10 ngày nữa gia đình sẽ thu hái lượt 2, sau đó tôi mới đốn chè.

Thành viên HTX Tâm Trà Thái (xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên) đóng gói sản phẩm chè xuân.

Cùng với người dân, hộ sản xuất - kinh doanh chè thì các HTX, doanh nghiệp chè trên địa bàn tỉnh cũng đã bắt nhịp với chè vụ xuân ngay từ thời điểm sau Tết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi thời tiết và dịch COVID-19 nên hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp không ít khó khăn.

Chị Vũ Thị Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Thịnh An, xóm Tân Lập, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), cho hay: Năm nay do rét đậm kéo dài nên vùng chè nguyên liệu của HTX và các hộ dân liên kết đều phát triển chậm. Nếu như mọi năm, thời điểm này HTX đã thu hái và sao sấy được khoảng 1 tấn chè khô nguyên liệu thì năm nay, sản lượng chỉ đạt khoảng 70%. Tuy vậy, các thành viên và người dân trồng chè đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, sao sấy đạt tiêu chuẩn. Nhờ vậy, thành phẩm chè búp khô đều đạt chất lượng, an toàn. Hiện nay, tùy vào nhu cầu của khách hàng, HTX sẽ đóng gói từ 10gam đến 1 kg/túi, giá bán dao động từ 200 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/kg với các loại chè đinh, chè tôm nõn, chè móc câu…

Còn với Công ty CP chè Tân Cương – Hoàng Bình, Giám đốc Đỗ Thị Đức Lý cho biết: Không chỉ thiếu nguyên liệu, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khi nhiều lao động là F0, F1, phải nghỉ để cách ly, điều trị. Tuy nhiên Công ty đã khắc phục bằng cách kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh, cố gắng để hoàn thành các đơn đầu năm của khách hàng. Ngoài ra để giữ chân khách hàng, chúng tôi cũng chưa điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm, dù giá xăng dầu và các chi phí khác đều tăng cao.

Có thể thấy, với tinh thần hăng hái thi đua sản xuất, nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn ngay từ đầu năm của các hộ, cơ sở, HTX và doanh nghiệp làm chè sẽ góp phần tích cực thực hiện mục tiêu đưa sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh trong năm 2022 đạt 256.000 tấn (tăng 6.000 tấn so với kế hoạch năm 2021).