Nỗ lực đưa chính sách tín dụng đến người dân

07:15, 28/03/2022

Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh luôn nỗ lực triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo về chế độ, chính sách tín dụng của Trung ương, cũng như chủ động tham mưu có hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phân bổ nguồn vốn được giao. Từ đó, đã giúp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần ổn định đời sống của người dân, đặc biệt là các hộ chính sách.

Tính đến cuối tháng 3-2022, tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh quản lý là 3.878 tỷ đồng; dư nợ đạt 3.786 tỷ đồng, với 105 nghìn khách hàng đang vay. Nhờ làm tốt công tác quản lý nguồn vốn nên trong những năm qua, tỷ lệ nợ xấu của NHCSXH tỉnh luôn được duy trì ở mức thấp, chỉ khoảng 0,06% trên tổng dư nợ. Nhiều năm liền, chất lượng hoạt động của Chi nhánh Thái Nguyên được NHCSXH Trung ương đánh giá nằm trong tốp đầu toàn quốc.

Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh: Những năm qua, để chính sách đến được đúng các đối tượng cần vay, NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo NHCSXH các huyện, thành, thị làm tốt công tác tuyên truyền đến đối tượng; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, nắm bắt nhu cầu các đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng để hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục vay, đảm bảo đúng các quy định. Đối với các chương trình cho vay, NHCSXH tỉnh cũng luôn chú trọng chỉ đạo, triển khai đến các NHCSXH cấp huyện làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền tại các buổi giao dịch định kỳ hàng tháng về các điểm mới, chính sách mới để chính quyền, các hội đoàn thể nhận ủy thác cũng như các tổ trưởng tổ Tiết kiệm và Vay vốn nắm bắt kịp thời, thông tin đến các hội viên để tổ chức triển khai, thực hiện.

Hiện, có 18 chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, riêng chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP mới được triển khai năm 2021, có 11 doanh nghiệp tham gia, với số tiền vay gần 3,7 tỷ đồng, thực hiện trả lương cho 915 lao động. 

Hộ ông Nguyễn Văn Học, xóm Hân, xã Tân Hòa (Phú Bình) được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để chăn nuôi hươu.

Ông Nguyễn Văn Học, xóm Hân, xã Tân Hòa (Phú Bình) chia sẻ: Tháng 12-2021, gia đình tôi được Tổ Tiết kiệm và Vay vốn của xóm bình xét vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH. Từ số tiền này, tôi đã đầu tư mua thêm 2 con hươu trưởng thành về nuôi lấy nhung, nâng đàn hươu của gia đình lên 4 con. Đến nay, cả 2 con hươu mới nuôi đều đã được thu hoạch, với trọng lượng 6 lạng nhung/con, giá bán 2 triệu đồng/lạng. Dự kiến sau khi trừ chi phí, mỗi con cho thu lãi từ 4-5 triệu đồng/lứa. Với thức ăn chủ yếu là từ phụ phẩm trong nông nghiệp, mỗi năm được thu hoạch 1-2 lần (tùy con), công chăm sóc lại không quá vất vả, tôi dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi hươu trong thời gian tới. Bởi vậy, tôi mong sẽ sớm được vay thêm 50 triệu đồng từ NHCSXH để đạt được mức vay tối đa từ chương trình này và có điều kiện phát triển kinh tế.

Mong muốn của ông Học cũng là sự trông mong của rất nhiều hộ hiện đang vay vốn hoặc có nhu cầu vay vốn NHCSXH trên địa bàn tỉnh. Bởi lâu nay, một số nguồn vốn cho vay của NHCSXH tỉnh vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầucủa người dân. Trong đó, thiếu nhiều nhất là chương trình giải quyết việc làm. Tuy nhiên, với việc mới đây (ngày 30/1/2022), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… trong đó, sẽ thực hiện nhiều chính sách cho vay ưu đãi qua hệ thống NHCSXH thì đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng giúp người có nhu cầu sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để được tiếp cận nguồn vốn.

Để triển khai các bước của Nghị quyết số 11, ngay sau khi có chỉ đạo của NHCSXH Trung ương, NHCSXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện việc rà soát nhu cầu vay vốn của khách hàng trên địa bàn trong giai đoạn 2022-2023 và từng năm, để tổng hợp xây dựng kế hoạch nhu cầu vốn của các chương trình.

Theo đó, đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, qua phối hợp rà soát với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các tổ chức chính trị -  xã hội và các đơn vị có liên quan, NHCSXH tổng hợp được nhu cầu vốn là 1.058 tỷ đồng (trong đó, năm 2022 là gần 556 tỷ đồng; còn lại là năm 2023); cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội tổng nhu cầu vốn là 51,5 tỷ đồng (năm 2022 là 21,5 tỷ đồng; còn lại là năm 2023); cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập hơn 12 tỷ đồng (năm 2022 là 8,2 tỷ đồng; còn lại là năm 2023); cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là 26,5 tỷ đồng (năm 2022 là 11,5 tỷ đồng; còn lại là năm 2023) và chương trình cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng chống dịch là 3,1 tỷ đồng (năm 2022 là 1,7 tỷ đồng; còn lại là năm 2023).

Ông Lê Văn Hồng cho rằng: Hiện nay, với nhu cầu về vốn thông qua NHCSXH tỉnh để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế ở một số chương trình còn khá lớn, trong đó có các nội dung theo tinh thần của Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Vì thế, chúng tôi đang chờ đợi Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các quyết định liên quan để hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra, giúp tạo nguồn vốn tại chỗ để các hộ đối tượng có thêm nguồn lực phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, nhất là sau những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19...