Gần một tháng từ khi quay lại sản xuất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp (DN) may mặc trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động và khó khăn trong tuyển dụng công nhân mới. Nguyên nhân là do công nhân mắc COVID-19 phải nghỉ làm để điều trị và nhiều F1 thực hiện cách ly y tế theo quy định. Để đảm bảo hoạt động sản xuất, các công nhân khác phải tăng hiệu suất làm việc và DN phải sử dụng phương án tuyển dụng gấp lao động…
Bước sang năm 2022, ngành Dệt may trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng có nhiều dấu hiệu khởi sắc nhờ chuỗi sản xuất phục hồi với đơn hàng truyền thống tăng trở lại. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các DN may mặc của tỉnh đều đã xác lập xong đơn hàng xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đến hết quý II, thậm chí có những DN đã ký kết được những đơn hàng đến hết quý III và sang quý IV/2022.
Đây là khởi đầu thuận lợi, tạo đà để ngành May mặc Thái Nguyên duy trì đà tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, do nghỉ Tết dài ngày, một số người lao động lại lơ là công tác phòng, chống dịch nên dẫn tới tình trạng thiếu hụt một lượng lớn lao động khi các DN may mặc quay trở lại sản xuất.
Đơn cử như tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, hiện là DN may xuất khẩu lớn nhất của tỉnh với 19 chi nhánh, 277 dây chuyền sản xuất và 15.000 lao động. Từ cuối năm 2021, khi các thị trường truyền thống của TNG khôi phục trở lại, các nhà máy của TNG luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu lớn của khách hàng. Doanh thu tháng 1-2022 của TNG đạt 514 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ và tăng 10% so với tháng 12-2021.
Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, số lượng công nhân của TNG là F0, F1 tăng nhiều so với thời điểm trước đó khiến DN rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm cao nhất, số lao động nghỉ làm để điều trị và cách ly y tế của Công ty lên tới gần 1.000 người. Điều này khiến năng suất lao động giảm, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Thời điểm này, những công nhân chưa mắc COVID-19 phải tăng hiệu suất làm việc, song đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn, không thể "gồng gánh" lâu dài. Chị Nguyễn Thị Hồng, một công nhân làm việc tại đây cho hay: Khi một người nghỉ, cả dây chuyền bị ảnh hưởng. Do đó, nhiều người phải kiêm nhiệm, dẫn tới giảm năng suất, không sản xuất hàng được nhiều như khi đủ công nhân.
Đây cũng là tình trạng chung tại hơn 10 DN may xuất khẩu của tỉnh như Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT, Công ty CP May xuất khẩu Phú Lương, Công ty CP Đầu tư Quốc tế Thagaco, Công ty CP May Thành Hưng, Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hà Nội …
Tìm hiểu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT, ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: Năm 2022, Công ty đặt mục tiêu phấn đấu các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ. Để hoàn thành mục tiêu này, Công ty dự kiến đưa Chi nhánh may TDT giai đoạn II tại huyện Đại Từ đi vào hoạt động từ quý III/2022 với 28 chuyền may và tuyển mới khoảng 500 công nhân. Trong tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, công nhân nghỉ việc tạm thời để điều trị và cách ly y tế thì ngày một tăng, để đảm bảo sản xuất Công ty phải tuyển thêm lao động để giữ đơn hàng. Vì thế, ngay khi trở lại làm việc sau dịp Tết Nguyên đán, Công ty đã đăng thông báo tuyển dụng trên website của đơn vị, phát tờ rơi, dán, treo thông báo tuyển dụng trước các cổng của nhà máy… Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi mới tuyển dụng được 100 lao động. Để giải quyết khó khăn trước mắt, DN đã tăng thời giờ làm việc và chi trả đầy đủ quyền lợi theo quy định cho người lao động.
Tương tự tại Công ty CP Đầu tư Quốc tế Thagaco, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Công ty đang bị thiếu hụt khoảng 200 lao động. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Để khắc phục khó khăn nay, ông Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc Công ty chia sẻ: Công ty nêu cao việc thực hiện hiệu quả mục tiêu kép - vừa phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Đối với người lao động thuộc diện phải cách ly, Công ty hỗ trợ lương trong quá trình nghỉ việc để giữ chân lao động. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tuyển dụng, bổ sung liên tục lao động mới bằng nhiều hình thức: Xuống tận các thôn, xóm, xã phát tờ rơi; dán thông báo thay vì tổ chức thành các hội nghị như trước khi chưa có dịch COVID-19; khuyến khích người lao động cũ giới thiệu người thân vào làm việc tại Công ty.
Ngoài ra, Thagaco cũng đưa ra các chính sách tiền lương, thưởng hấp dẫn để “kích cầu” lao động. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, DN này đã tuyển mới được 300 lao động. Từ nay đến hết tháng 4, Công ty dự kiến tiếp tục tuyển dụng thêm khoảng 700 lao động để duy trì ổn định hoạt động sản xuất, đồng thời phục vụ nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất tại 2 nhà máy.
Để người lao động luôn gắn bó với DN, ngoài việc duy trì và tăng các khoản trợ cấp để tránh tình trạng công nhân nghỉ việc, chủ các DN may mặc còn đồng hành, đóng gói chuyển tới các công nhân F0 những món quà nhỏ như viên xông, thuốc trị cảm cúm, sốt, viên C sủi, nước súc miệng… để người lao động yên tâm, lạc quan trước dịch bệnh. Tất cả nhằm thích ứng linh hoạt nhằm bảo đảm điều kiện nhân lực sản xuất, đáp ứng kịp thời sản lượng và đảm bảo thời gian giao hàng cho đối tác…