Tiếp sức cho chăn nuôi thủy sản

07:59, 30/03/2022

Khai thác tối đa thế mạnh sẵn có về diện tích mặt nước, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã liên kết, thành lập các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) chăn nuôi thủy sản. Để tiếp sức cho các THT, HTX này phát triển, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ về con giống, kỹ thuật, máy móc… Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho các hộ thành viên.

HTX Nông nghiệp Thành Công, xã Bình Thành (Định Hóa) được thành lập năm 2019 với 15 thành viên. Ngoài trồng và chế biến 5ha chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm, HTX có 4ha diện tích chăn nuôi thủy sản. Tháng 6-2021, HTX đã được Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) hỗ trợ trên 4 nghìn con cá giống chép lai và trên 25 nghìn con cá rô giống chất lượng cao Thái Lan.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Ma Khánh Cân, Giám đốc HTX cho biết: Số cá giống trên được chia đều cho 4 hộ thành viên của HTX có ao chăn nuôi thủy sản. Sau đó, các hộ dân được đơn vị chuyên môn tập huấn kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho đàn cá. Sau một thời gian, mới đây 2 hộ dân đã thu hoạch, sau khi trừ các chi phí cho thu lãi khoảng 50 triệu đồng. 

Không riêng HTX Nông nghiệp Thành Công, trong năm 2021 Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã hỗ trợ 60 nghìn con cá giống chép lai chất lượng cao, 379 nghìn con cá giống Rô phi Thái Lan nhập khẩu cho 15 THT, HTX chăn nuôi thủy sản trong tỉnh, với tổng diện tích 36ha, tổng kinh phí hỗ trợ là 1,18 tỷ đồng. Tính trong 5 năm gần đây, Chi cục triển khai chương trình hỗ trợ cá giống chất lượng cao với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng/năm, mức hỗ trợ tối đa không quá 80 triệu đồng/THT, HTX.

Bên cạnh việc được nhận con giống chất lượng cao, một số THT, HTX chăn nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh còn được hưởng các chương trình hỗ trợ sản xuất. Đơn cử như HTX Dịch vụ chăn nuôi thủy sản Kim Đĩnh, xã Tân Kim (Phú Bình). Ông Phạm Văn Ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX, cho hay: Năm 2018, HTX được Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ kinh phí thi công 800m đường bê tông vào khu sản xuất. Trong 2 năm (2018-2019), chúng tôi tiếp tục được Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ trên 200 triệu đồng (50% kinh phí) cho 13 hộ thành viên mua máy xén cỏ, máy khuấy nước tạo oxy công suất lớn. Từ năm 2018 đến năm 2020, HTX được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ chương trình thu hút nguồn nhân lực, chi trả 117 triệu đồng tiền lương cho thú y viên có trình độ đại học, cao đẳng… Tất cả những chương trình hỗ trợ này đã giúp cho HTX có thêm tư liệu sản xuất, hoạt động ổn định, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên với mức 4 triệu đồng/tháng/thành viên.

Là một trong 13 thành viên của HTX Dịch vụ chăn nuôi thủy sản Kim Đĩnh, anh Lương Văn Dị chia sẻ: Khi tham gia vào HTX, tôi có thêm môi trường học tập, trao đổi kinh nghiệm với các thành viên, cùng góp vốn, mua thức ăn, thuốc phòng trừ bệnh với giá ưu đãi. Thêm nữa, tôi được tiếp cận nhiều hơn với các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi thủy sản; được hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất. Qua đó việc chăn nuôi thủy sản của gia đình hiệu quả hơn trước. Với 4.000m2 diện tích ao nuôi cá thương phẩm và cá giống, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu lãi 50 triệu đồng.

Có thể thấy, thông qua các chương trình hỗ trợ đã tiếp thêm động lực giúp các HTX, THT chăn nuôi thủy sản ngày càng phát triển ổn định. Đến nay, toàn tỉnh có 6 HTX và hàng trăm THT hoạt động trong lĩnh vực này với tổng diện tích chăn nuôi thủy sản được mở rộng lên 500ha.

Tuy nhiên, để chăn nuôi thủy sản hoạt động thực sự bền vững, theo đề xuất của các HTX, THT, các cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng cần có sự quan tâm hơn nữa, bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật, kiến thức, vốn thì cần thúc đẩy chương trình liên kết với các doanh nghiệp, tạo vòng khép kín từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu tiêu thụ. Từ đó nâng cao vai trò của HTX, THT trong việc kết nối các hộ thành viên, góp phần thúc đẩy lĩnh vực thủy sản của tỉnh phát triển.



Các loại Thức ăn cho mèo