Xung đột Nga - Ukraine: Doanh nghiệp chịu tác động không nhỏ

08:53, 09/03/2022

Xung đột Nga - Ukraine đang ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện tới kinh tế toàn. Tại Thái Nguyên, hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại lớn giữa các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp Nga và Ukraina chưa có, tuy nhiên sản xuất, kinh doanh vẫn chịu tác động không nhỏ.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine gây sức ép lên nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện, từ giá dầu liên tục lập đỉnh, kéo theo gia tăng chi phí logistics, giá nguyên liệu đầu vào, đến việc suy giảm kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều Việt Nam - Liên bang Nga, Việt Nam - Ukraina, khó khăn trong thanh toán quốc tế giữa Việt Nam và Nga trong bối cảnh nước này bị loại khỏi hệ thống của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT). Cộng với ảnh hưởng do dịch COVID-19, giá cả liên tục “leo thang” đã gây áp lực lên việc kiểm soát lạm phát trong nước.

Nhận định về ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine với tỉnh Thái Nguyên, bà Đặng Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Hiện nay, chưa có hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại lớn giữa các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp Nga và Ukraina. Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng chung của nền kinh tế trong nước, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng gặp những khó khăn nhất định đối với các doanh nghiệp nhỏ.

Ông Lê Quang Dực, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đánh giá: Những sản phẩm chủ yếu của Việt Nam xuất khẩu sang Nga và Ukraine lại đang là thế mạnh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, như: Điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử; sản phẩm may mặc; chè... Vì vậy, nếu cuộc xung đột và lệnh cấm vận kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam nói chung, của tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp T.P Thái Nguyên, phân tích: Tại Thái Nguyên, cuộc xung đột Nga - Ukraine trước hết ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu quy mô nhỏ với thị trường Nga, Ukraine. Các doanh nghiệp này đều phải tạm ngưng hoạt động xuất nhập khẩu, chờ xung đột lắng dịu mới tiếp tục tính đến phương án mới. Ngoài ra, do giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao nên kéo theo một loạt hệ lụy như chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào tăng làm nâng giá thành sản xuất. Trong khi đó, giá bán sản phẩm đã được ký kết từ trước hoặc chịu sức ép cạnh tranh nên không thể tăng giá, ảnh hưởng dịch bệnh nên lực lượng lao động thiếu trầm trọng khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn.

Về việc Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT, các chuyên gia tài chính nhận định điều này đã và đang có những tác động nhất định tới kinh tế và hoạt động giao thương. Mặc dù trước mắt không ảnh hưởng nhiều tới kim ngạch xuất khẩu nhưng về lâu dài, vấn đề này sẽ tác động tới tâm lý và giao dịch thương mại của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

Đánh giá tác động trung hạn và dài hạn của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, ông Lê Quang Dực nhấn mạnh: Rủi ro vĩ mô thế giới sẽ gián tiếp ảnh hưởng đà phục hồi chung của nền kinh tế Việt Nam nói chung, Thái Nguyên nói riêng, nguy cơ lạm phát đang dần hiển hiện…

Trước sự ảnh hưởng về kinh tế của cuộc xung đột Nga - Ukraine, ông Phạm Văn Quang cho rằng, các cơ quan nhà nước nên triển khai các giải pháp hỗ trợ nhằm giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án đang thực hiện, có thể “về đích” trước kế hoạch hoặc đạt tiến độ, tránh việc “đội giá” khiến doanh nghiệp, nhà thầu thua lỗ.

Đối với các doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đưa ra khuyến nghị: Cần hết sức nhạy bén, theo dõi tình hình để ứng phó linh hoạt trước những biến động của tình hình thế giới. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng thực hiện, kiến nghị kịp thời những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Các đơn vị có hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Nga, Ukraine cần từng bước chuyển hướng xuất khẩu đi các nước khác, tìm phương hướng thanh toán mới, đồng thời chú ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài trong thời gian tới.

Năm 2022, Thái Nguyên đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 8%; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 9%; giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng 9%... Trước những bất lợi của tình hình thế giới và ảnh hưởng của dịch COVID-19, hy vọng với nhiều giải pháp thiết thực đã và đang được triển khai, tỉnh sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Nỗ lực bảo hộ công dân tại Ukraine

Về công tác bảo hộ công dân tại Ukraine, đại diện Sở Ngoại vụ thông tin: Theo số liệu tổng hợp từ Bộ Ngoại giao, Việt Nam có khoảng 7.000 người đang sinh sống tại Ukraine. Đến ngày 7-3-2022, gần 2.000 người Việt Nam từ Ukraine sang Ba Lan và gần 1.000 người nữa đang trên đường tới Ba Lan sơ tán.

Chiều 8-3, gần 300 công dân Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài. Dự kiến, sáng 10-3, 270 công dân tiếp tục về đến Hà Nội bằng đường hàng không.

Tại Thái Nguyên, Sở Ngoại vụ đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã tổng hợp danh sách công dân các huyện, thành phố, thị xã đang công tác, lao động, học tập tại Ukraine gửi Sở Ngoại vụ để thực hiện công tác triển khai hỗ trợ, sơ tán công dân khỏi khu vực nguy hiểm và có phương án đưa người có nhu cầu về Việt Nam; thông báo đường dây nóng bảo hộ công dân. Các huyện, thành phố, thị xã đã tích cực triển khai chỉ đạo đến các xã, phường, thị trấn.

Đến ngày 8-3, Sở Ngoại vụ chưa nhận thông tin công dân trong tỉnh đề nghị được hỗ trợ.