Sáng nay (27-4), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021. Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.
Tỉnh Thái Nguyên, với tổng điểm 64,81, tiếp tục xếp trong nhóm điều hành khá, đứng thứ 28/63 tỉnh, thành; thấp hơn năm 2020 1,75 điểm, tụt 17 bậc. Trong đó, chỉ có 3 điểm số thành phần tăng điểm, còn lại 7 chỉ số thành phần giảm điểm. Gia nhập thị trường là chỉ số có điểm giảm lớn nhất, từ 8,35 điểm xuống còn 6,83 điểm (giảm 1,52 điểm).
Đây là năm thứ 17 liên tiếp, kể từ năm 2005, Chỉ số PCI được công bố hằng năm.
Báo cáo PCI 2021 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.312 doanh nghiệp, trong đó có 10.127 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương của Việt Nam.
Năm nay, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng và Vĩnh Phúc lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2021. Đây cũng là những địa phương có những chuyển biến rất tích cực trong phát triển kinh tế và kiểm soát tốt dịch COVID-19, theo đánh giá của các doanh nghiệp.
Kết quả điều tra PCI năm 2021 cho thấy, trong bối cảnh gặp khó khăn do dịch COVID-19, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, với hiệu quả và hiệu lực thực thi tại các cấp địa phương gia tăng. Những nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam cũng đang phát huy tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng chỉ rõ: Chính quyền các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, tập trung vào các lĩnh vực: Thuế, đất đai, bảo hiểm xã hội, môi trường xây dựng, phòng cháy và quản lý thị trường. Các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện cần là trọng tâm cải cách trong thời gian tới, khi gánh nặng chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp còn lớn. Đồng thời cần triển khai hiệu quả hơn các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới…
Để duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, theo ý kiến của các doanh nghiệp, Việt Nam cần tập trung cải cách những lĩnh vực thủ tục hành chính về thuế, phòng cháy, xuất nhập khẩu, đăng ký đầu tư và bảo hiểm xã hội. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần tiếp tục được đẩy mạnh. Cùng với việc tiếp tục cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Ngoài ra, các chính sách trợ giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch cần được thiết kế sát với nhu cầu và khả năng phát triển của từng nhóm doanh nghiệp mới có thể phát huy hiệu quả như kỳ vọng.