Gần 7 năm triển khai các dự án hỗ trợ người nghèo Võ Nhai, tổ chức phi chính phủ Allianz Mission (Cộng hòa liên bang Đức) đã hỗ trợ sinh kế trên 1,6 tỷ đồng cho 180 hộ nông dân trên địa bàn phát triển kinh tế, thoát nghèo. Hiện, các dự án này vẫn đang tiếp tục được kế thừa, triển khai tới các hộ khác theo mô hình ngân hàng bò để giúp người nghèo có cơ hội phát triển kinh tế.
Hơn 1 năm trước, gia đình ông Hoàng Phúc Liên, 56 tuổi, hộ nghèo thuộc xóm Khuôn Nang, xã Liên Minh, được nhận hỗ trợ một con bò cái nuôi sinh sản thông qua Dự án Hỗ trợ vốn và năng lực nuôi bò sinh sản do tổ chức Allianz Mission (AM) tài trợ. Chăm sóc tốt với sự hướng dẫn của nhân viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, con bò của gia đình ông Liên chuẩn bị sinh sản lứa đầu tiên.
Ông Liên chia sẻ: Tôi bị mắc bệnh ung thư, sức khỏe không bảo đảm để làm nghề trồng rừng như trước kia. Được hỗ trợ bò giống như vậy rất có ý nghĩa, phù hợp với sức lao động của tôi, qua đó mở hướng thoát nghèo cho gia đình trong tương lai.
Tương tự ông Liên, toàn xã Liên Minh đã có gần 60 hộ được nhận hỗ trợ bò giống để nuôi sinh sản qua Dự án Hỗ trợ vốn và năng lực nuôi bò sinh sản. Từ 32 con bò giống ban đầu nay đã có thêm gần 30 hộ khác được nhận bò giống nuôi sinh sản theo mô hình ngân hàng bò thuộc Dự án.
Mỗi hộ sau khi nhận được hỗ trợ bò cái giống có trách nhiệm trao trả một con bò cái giống cho hộ gia đình khác trong thời gian từ 3-4 năm. Anh Lý Văn Tùng, 26 tuổi, thuộc hộ nghèo ở xóm Khuôn Nang được hỗ trợ bò giống sinh sản gần 1 năm trước, chia sẻ: Đây là một dự án ý nghĩa, giúp gia đình tôi và nhiều hộ khác có cơ hội sớm thoát nghèo.
Thực hiện thỏa thuận giữa UBND huyện và tổ chức AM, từ năm 2015 đến nay, huyện Võ Nhai đã triển khai thực hiện 3 dự án gồm: Ngân hàng bò tại xã Dân Tiến; Hỗ trợ vốn và năng lực nuôi bò sinh sản tại xã Liên Minh; Nâng cao thu nhập cho hộ nông dân tại xã Phương Giao, với tổng kinh phí thực hiện là hơn 1,6 tỷ đồng do tổ chức AM tài trợ.
Các dự án không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ nghèo mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là sự sẻ chia, chung tay của cộng đồng giúp người nghèo phát triển kinh tế bền vững.
Dự án Ngân hàng bò (triển khai từ 2015) và Dự án Hỗ trợ vốn và năng lực nuôi bò sinh sản (triển khai từ 2017) được thực hiện theo mô hình ngân hàng bò. Tham gia dự án, mỗi hộ được hỗ trợ một con bò cái giống trị giá trên 10 triệu đồng.
Trước khi giao bò cho các hộ dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và đơn vị cung ứng đã tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng, chống dịch bệnh. Hộ được nhận bò phải cam kết chăm, nuôi bò sinh sản, không bán hay làm thịt. Trong quá trình nuôi, nếu bò đẻ bê cái, hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con đến 6 tháng tuổi rồi chuyển giao bê cho hộ nghèo khác nuôi và được giữ lại con bò giống ban đầu làm sinh kế.
Tiếp tục theo quy trình như vậy, số lượng bò giống sẽ ngày càng gia tăng, đồng nghĩa với việc nhiều hộ nghèo được nhận bò để phát triển kinh tế. Tính đến nay, từ 62 con bò cái giống ban đầu của hai dự án trên đã có gần 90 con bò cái giống được sinh ra, luân chuyển qua các hộ nghèo khác để nuôi sinh sản tiếp.
Dự án Nâng cao thu nhập cho hộ nông dân triển khai năm 2018 tại xã Phương Giao thông qua hình thức cho vay vốn để các hộ chăn nuôi lợn sinh sản đã có gần 40 lượt hộ dân được hỗ trợ.
Qua 4 năm triển khai, đàn lợn của các hộ phát triển tốt, trung bình mỗi con lợn nái đã sinh sản được 4-5 lứa, bà con nông dân có thể trả lại vốn vay để luân chuyển sang nhóm hộ khác nuôi.
Trên cơ sở đề xuất của người dân, từ năm 2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Võ Nhai sẽ chuyển hình thức từ cho vay vốn chăn nuôi lợn sinh sản sang hình thức hỗ trợ người dân chăn nuôi bò sinh sản theo mô hình ngân hàng bò.
Bà Nông Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai cho biết: Khi triển khai Dự án, bên cạnh bảo đảm chất lượng con giống, chúng tôi tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách xây dựng chuồng trại, trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi bò cho người dân. Đồng thời, Trung tâm cũng cắt cử nhân viên phụ trách địa bàn theo sát các hộ được hưởng lợi từ Dự án để kịp thời hỗ trợ kỹ thuật cho bà con khi cần thiết. Qua đó, toàn bộ số gia súc trong Dự án đều phát triển khỏe mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Đánh giá kết quả thực hiện các dự án trên địa bàn huyện Võ Nhai, tổ chức AM nhận định: Người dân được tập huấn kỹ thuật, tiếp cận đầy đủ thông tin, kinh nghiệm chăn nuôi để tăng thu nhập, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên cũng như các chế phẩm từ nông nghiệp; các hộ dân thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phát triển các mối quan hệ lành mạnh trong nhóm sở thích chăn nuôi. Qua đó góp phần giúp người dân khó khăn trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống.