Cây chè trên đất Thâm Găng

07:57, 28/05/2022

Nghề trồng và chế biến chè đã gắn bó với người dân xóm Thâm Găng, xã Tức Tranh (Phú Lương) từ nhiều đời nay. Những năm qua, nhờ mạnh dạn đưa các giống chè cành, chè lai có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, đời sống người dân Thâm Găng đã từng bước ổn định, xây dựng xóm làng ngày càng phát triển.

Dẫn chúng tôi đi thăm những đồi chè xanh mơn mởn, anh Hầu Văn Ngọc, Trưởng xóm Thâm Găng chia sẻ: Theo lời kể của các bậc cao niên trong xóm, cây chè đã bám rễ trên đất Thâm Găng từ năm 1913, ban đầu chỉ có cụ Nịnh Đình Thông, cụ Hầu Văn Tâm trồng vài chục gốc để đun lá tươi lấy nước uống, sau đó, có một số hộ cũng đã học tập, làm theo. Trong những năm 1975-1986, diện tích chè trong xóm được mở rộng đến 30ha và trồng theo hàng rạch, đường đồng mức để tránh đất bị rửa trôi. Những quả đồi trọc ở Thâm Găng dần được phủ kín một màu xanh của cây chè, chủ yếu là giống chè trung du. Sau nhiều năm thu hoạch, những diện tích chè này đã già cỗi, cho năng suất và giá trị kinh tế thấp.

Cuộc sống của người dân Thâm Găng chỉ thực sự thay đổi từ những năm 2000 trở lại đây, khi có những chính sách thay đổi phù hợp của Nhà nước và địa phương, như: Cho phép người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất san lấp, ruộng cấy 1 vụ, đất trồng màu năng suất kém; triển khai chương trình hỗ trợ giá giống chè lai... Từ đó, người dân đã tích cực chuyển diện tích chè trung du già cỗi sang trồng các giống chè cành cho năng suất và giá trị kinh tế cao, như: TRI777, LDP1, PH1, Phúc Vân Tiên, Long Vân, Kim Tuyên… Ngoài ra, năm 2017, Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến Quốc lộ 3 mới, trong đó đoạn chạy dọc qua trung tâm xóm dài khoảng 300m đã góp phần thúc đẩy giao thương buôn bán của người dân.

Gia đình anh Phạm Văn Tuyển là một trong những hộ đầu tiên ở Thâm Găng mạnh dạn chuyển đổi từ giống chè trung du sang trồng chè lai giâm cành. Hiện nay, toàn bộ diện tích 1 mẫu chè lai của gia đình anh đã được lắp đặt hệ thống tưới van xoay tự động. Trung bình mỗi lứa, anh Tuyển thu hoạch hơn 2 tạ chè búp khô. Anh chia sẻ: Từ cây chè, mỗi năm gia đình tôi thu lãi khoảng 50-60 triệu đồng, cuộc sống nhờ đó cũng ổn định và dần khấm khá hơn.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thảo lại lựa chọn phát triển kinh tế bằng nghề chế biến chè. Ông Thảo cho hay: Ngoài thu hái 6.000m2 chè cành của gia đình, mỗi ngày, tôi thu mua thêm khoảng 2-3 tạ chè búp tươi của 10 hộ dân trong xóm để chế biến chè khô. Tôi cũng đầu tư 4 máy vò, 2 máy sao, 1 máy hút chân không, đăng ký mã vạch và nhãn hiệu sản phẩm chè Thảo Vui để thuận tiện kinh doanh. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu lãi trên 100 triệu đồng từ cây chè.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, hiện nay, xóm Thâm Găng có 74/92 hộ dân trồng chè, với tổng diện tích 39ha. Trong đó 38ha chè đã và đang cho thu hoạch, với trên 80% diện tích là chè lai. Toàn xóm có 20 hộ dân đã đầu tư lắp đặt hệ thống phun tưới tự động trên tổng diện tích 5ha. Nếu như trước đây, người trồng chè ở Thâm Găng quanh năm vất vả cũng chỉ đủ ăn thì nay, cây chè đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Thu nhập bình quân người dân trong xóm hiện đạt gần 56 triệu đồng/người/năm. Từ năm 2021 đến nay, xóm không còn hộ nghèo, cận nghèo. Thâm Găng đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020.

Nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế từ cây chè, năm 2021, UBND tỉnh đã quyết định công nhận xóm Thâm Găng là Làng nghề chè truyền thống cấp tỉnh. Tháng 2 vừa qua, để giúp người dân từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế của cây chè, huyện Phú Lương đã mở thêm khóa tập huấn trồng, chăm sóc chế biến chè theo quy trình VietGAP tại Thâm Găng… Qua đó, toàn bộ 74 hộ dân trồng chè trong xóm đã đăng ký tham gia với diện tích gần 16ha. Đây là cơ sở để Thâm Găng từng bước mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu chè địa phương.