Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã trình Chính phủ và các bộ, ngành về Đề án tái cơ cấu. Theo đó, mô hình sản xuất, kinh doanh của VNR sẽ được tổ chức lại hợp lý hơn theo hướng tập trung vào ba ngành nghề cốt lõi là vận tải đường sắt, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và cơ khí đường sắt.
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đồng ý về chủ trương với phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, đơn vị thuộc VNR.
Tăng tính chuyên môn hóa
Theo Đề án tái cơ cấu VNR, sẽ thực hiện thu gọn đầu mối chi nhánh xí nghiệp đầu máy từ năm thành ba chi nhánh xí nghiệp đầu máy; chuyển nguyên trạng toàn bộ hoạt động, tài sản, con người đang có tại 3 ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1, 2, 3 về một Ban quản lý dự án đường sắt có điều kiện thích hợp nhất về quy mô, kinh nghiệm, thực tế,... để thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư quản lý các dự án đường sắt do VNR làm chủ đầu tư, đồng thời chấm dứt hoạt động của hai ban quản lý dự án đường sắt còn lại. Hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thành một công ty cổ phần vận tải đường sắt. Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của các nội dung và số liệu báo cáo của Ủy ban về phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp, đơn vị đường sắt; chỉ đạo VNR khẩn trương thực hiện cơ cấu lại các doanh nghiệp, đơn vị nêu trên bảo đảm đúng quy định của pháp luật, phát huy hiệu quả, tuyệt đối không để thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại VNR giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trong Đề án cơ cấu lại VNR trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2022 với thời gian thực hiện chuyển từ giai đoạn 2017-2020 sang 2021-2025, VNR kiến nghị duy trì tỷ lệ nắm giữ 51% vốn điều lệ tại 15 công ty cổ phần bảo trì cầu, đường sắt; tiếp tục duy trì tỷ lệ vốn góp như hiện nay (hơn 51%) và từng bước nâng tỷ lệ vốn góp lên 75% hoặc 100% tại năm công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt. Đồng thời, tiếp tục giữ cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm để phát triển công nghiệp cơ khí đường sắt. Trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược, VNR sẽ xây dựng lộ trình giảm vốn của Tổng công ty tại hai đơn vị này xuống còn 51%, trình Thủ tướng phê duyệt.
Đề án cơ cấu lại VNR được trình cấp có thẩm quyền lần đầu vào năm 2016, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2017-2020, với mục tiêu sắp xếp lại và thoái vốn tại các doanh nghiệp trong toàn Tổng công ty, bảo đảm cho đơn vị có mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh hợp lý hơn theo hướng tập trung vào ba ngành nghề cốt lõi là vận tải đường sắt, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và cơ khí đường sắt. VNR thừa nhận thất bại trong việc chuyển hai doanh nghiệp vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn thành công ty cổ phần năm 2016, kết quả kinh doanh của hai đơn vị đều lao dốc cả về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận. Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Vũ Anh Minh, từ cuối năm 2016, lãnh đạo VNR đã nhận thấy sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, doanh thu và thị phần vận tải đường sắt, đặc biệt là sau cổ phần hóa tại các công ty cổ phần vận tải đường sắt, nguyên nhân chủ yếu do mô hình tổ chức các công ty vận tải đường sắt sau khi tái cơ cấu, cổ phần hóa chưa thật sự phù hợp thực tiễn của ngành đường sắt. Do vậy, tập thể lãnh đạo VNR đã thống nhất chủ trương xây dựng phương án sắp xếp, tái cơ cấu các công ty này. Việc hợp nhất hai đơn vị sẽ tăng cường tính chuyên môn hóa, tách bạch vận tải hàng hóa và vận tải hành khách, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia, đầu tư vào vận tải hàng hóa, hành khách để khai thác nguồn lực xã hội về tài chính, công nghệ, thị trường và nhất là quản trị.
Thu gọn đầu mối quản lý
Sau khi hợp nhất, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt (doanh nghiệp đã được hợp nhất) sẽ thực hiện việc phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt; tiến tới xây dựng lộ trình thoái vốn tại công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa để thực hiện mục tiêu xã hội hóa vận tải hàng hóa đường sắt. Ưu điểm của phương án này là ít gây xáo trộn về tổ chức và nhân lực; tiết kiệm được chi phí phát sinh của quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp vận tải đường sắt như phải thực hiện đánh giá lại các tài sản dự kiến chuyển nhượng và tổ chức đấu giá; bảo đảm tính tập trung thống nhất trong hoạt động vận tải, đồng thời giữ được vai trò điều tiết của Nhà nước trong vận tải đường sắt, đặc biệt là vận tải hành khách.
Thẳng thắn nhìn nhận ngành đường sắt không còn ở giai đoạn "vàng son" và đã tới lúc phải giảm định biên, không thể để gần 30 nghìn cán bộ, công nhân viên của ngành đi tới chỗ "ôm nhau chết chìm", Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh nhấn mạnh quan điểm, ngay từ năm nay, ngành đường sắt sẽ tái cơ cấu hết sức mạnh mẽ, có những việc sẽ động chạm tới quyền lợi cá nhân, tổ chức nhưng buộc phải làm bởi ngay bản thân lãnh đạo hay người lao động cũng trăn trở. VNR sẽ khẩn trương hoàn thiện phương án trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, nếu thuận lợi, sẽ cần khoảng 8-10 tháng để hợp nhất, sắp xếp lại các đơn vị. Liên quan các chính sách đối với người lao động sau khi hợp nhất, đại diện lãnh đạo VNR nhận định, việc tái cơ cấu là kế thừa lại toàn bộ, không phải cổ phần hóa, cho nên quyền lợi người lao động sẽ không ảnh hưởng, tuy vậy việc sáp nhập sẽ phát sinh lao động dôi dư cần giải quyết chế độ chính sách. Cụ thể, số lượng lao động được tinh giản sẽ tập trung trước tiên vào khối gián tiếp do giảm đầu mối quản lý, giảm số lượng phòng, ban trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, góp phần tăng năng suất của khối lao động gián tiếp, chọn lọc được những lao động tốt nhất để làm việc. Bên cạnh đó, định biên các lao động trực tiếp trước đây buộc phải bố trí tại các ga làm nghiệp vụ khách vận, hóa vận tại các công ty cổ phần vận tải sẽ được giảm một nửa, do sau khi sáp nhập sẽ chỉ cần duy nhất một đại diện thực hiện nghiệp vụ này tại các ga. Để giải quyết việc này, đối với các vị trí đến tuổi nghỉ chế độ của khối lao động gián tiếp, sẽ không tuyển dụng mới mà chỉ tiến hành điều chuyển trong nội bộ; khối lao động trực tiếp, trên cơ sở tận dụng nguồn lực chung của các đơn vị để phân công công việc, hạn chế tuyển dụng mới.
Thực tiễn qua đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, trong một số tình huống cấp bách, việc vận hành một doanh nghiệp tinh gọn sẽ cho phép điều chuyển linh hoạt, tăng khả năng ứng phó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm bớt thiệt hại, giúp doanh nghiệp chủ động vượt qua khó khăn. "Nếu không mạnh dạn dừng các mảng kinh doanh kém hiệu quả, cho dù đó là nghề truyền thống và cải tổ bộ máy, cắt giảm các chi phí bất hợp lý, thương hiệu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ không thể tồn tại trong vài năm tới", Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh bày tỏ thái độ kiên quyết.