Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Phú Lương đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào hoạt động sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng, giá trị nông sản cung ứng trên thị trường.
Nếu như trước đây, người dân xã Hợp Thành chủ yếu sử dụng gia súc và sức người trong các khâu làm đất, gieo cấy thì nay, trên những cánh đồng, các loại máy cày bừa, máy cấy, máy kéo… được đưa vào sử dụng ngày càng nhiều. Ông Ma Quốc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành, cho biết: Thời gian qua, xã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các chương trình, chính sách hỗ trợ máy móc sản xuất nông nghiệp của Nhà nước; tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để chủ động đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đến nay, toàn xã đã có 95% diện tích gieo trồng cây nông nghiệp được áp dụng cơ giới hóa.
Còn tại xã Ôn Lương, ông Vương Văn Bình, xóm Khau Lai, chia sẻ: Hiện, gia đình tôi đang nuôi 6 con ngựa bạch và trâu. Trung bình mỗi ngày, đàn gia súc sẽ ăn hết khoảng 1,5 tạ cỏ. Trước đây, để băm được hết khối lượng cỏ này, tôi phải mất hơn 30 phút. Để giảm sức lao động, tôi đã mua máy băm thức ăn. Nhờ đó, mỗi ngày, tôi chỉ cần dành ra vài phút là có thể hoàn thành công đoạn chế biến thức ăn cho gia súc.
Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Phú Lương hiện có trên 3.000 máy kéo; hơn 13.000 máy phun thuốc bảo vệ thực vật; trên 80 máy gặt các loại; khoảng 10.600 máy bơm nước… Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất để gieo cấy lúa đạt 95,7%; tỷ lệ cơ giới hoá trong thu hoạch lúa đạt 91,7%. Đối với hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm từ cây chè – cây trồng chủ lực của địa phương, toàn huyện đã có trên 6.800 máy sao chè; hơn 7.700 máy vò chè; 245 máy hút chân không; tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu vò, sao sấy chè đạt 100%… Trong chăn nuôi, 100% trang trại đã sử dụng hệ thống làm mát, máng ăn tự động; hệ thống sưởi ấm… để tăng hiệu quả sản xuất.
Để đạt được kết quả như trên, huyện Phú Lương đã chú trọng công tác tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân chủ động đầu tư các loại máy móc phù hợp với điều kiện sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, tăng thu nhập, nâng cao năng suất. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã phối hợp tổ chức được trên 200 lớp tập huấn cho gần 10 nghìn lượt người tham dự.
Không chỉ vậy, huyện cũng triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ người dân mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến nông sản. Trong đó, đặc biệt ưu tiên sử dụng các nguồn vốn để hỗ trợ thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến chè. Từ năm 2016 đến nay, Phú Lương đã phân bổ trên 650 bộ máy vò chè Inox; gần 400 bộ tôn sao chè Inox; 22 máy sao chè bằng điện, gas… Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Chương trình 135, từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ trên 1.500 máy móc, thiết bị, công cụ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản.
Từ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người dân. Năm 2021, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha diện tích đất nông nghiệp của huyện ước đạt 105,9 triệu đồng (tăng 17,9 triệu đồng so với năm 2019); giá trị sản phẩm chè thu được bình quân đạt 250-280 triệu đồng/ha.
Với những kết quả quan trọng trên, trong Đề án “Phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh huyện Phú Lương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, huyện Phú Lương tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin, cơ khí hóa, tự động hóa trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản; hoàn thiện hạ tầng nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu; có cơ chế hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị chế biến, đóng gói, bảo quản nông sản cho người dân…