Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, lượng khách hàng sử dụng điện sống tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chiếm khoảng 60%. Để tạo thuận lợi cho khách hàng, Công ty Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên) đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh cung cấp dịch vụ trực tuyến ở vùng sâu, vùng xa.
Định Hóa là huyện miền núi, có đến gần 74% khách hàng sử dụng điện là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống sinh hoạt còn nhiều khó khăn. Việc tiếp cận các công nghệ hiện đại hoặc sử dụng các tính năng trên các thiết bị thông minh của đồng bào còn hạn chế.
Để người dân có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điện trực tuyến, theo chị Ma Thị Chinh, Phó phòng Kinh doanh, Điện lực Định Hóa: Đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền đến mọi đối tượng khách hàng trên địa bàn thông qua các kênh truyền thông báo, đài địa phương, hệ thống loa phát thanh thôn, xóm; tuyên truyền qua mạng xã hội Zalo, Facebook; hướng dẫn khách hàng tại Phòng giao dịch của Điện lực Định Hóa, các quầy thu tiền điện cũng như các quầy giao dịch của đối tác thu hộ tiền điện để khách hàng nắm bắt và biết được dịch vụ trực tuyến của ngành Điện.
Nói về việc sử dụng dịch vụ điện trực tuyến, chị Ma Thị Gắt ở thôn Thẩm Rộc, xã Bình Yên (Định Hóa), chia sẻ: Sau khi được hướng dẫn cài đặt các ứng dụng về hỗ trợ khách hàng của ngành Điện, giờ đây, khi có bất cứ nhu cầu nào về điện, tôi có thể mở điện thoại, vào app để thao tác yêu cầu hoặc gọi điện đến tổng đài 19006769 để được hỗ trợ, vừa tiết kiệm cả thời gian lẫn chi phí đi lại. Đặc biệt, trong app có rất nhiều thông tin, tôi có thể thường xuyên kiểm tra chỉ số điện dùng hằng ngày, xem lại chỉ số, tiền điện của thời gian trước, rất công khai minh bạch. Hơn nữa việc nộp tiền điện cũng dễ dàng hơn, tôi thường chủ động nộp qua tài khoản ngân hàng mà không cần phải đến tận quầy thu tiền điện như trước.
Tương tự đối với huyện vùng cao Võ Nhai, anh Nguyễn Văn Chỉnh, Trưởng phòng Kinh doanh, Điện lực Võ Nhai, cho hay: Thông qua làm việc với các xã, xóm bản, Điện lực Võ Nhai luôn lồng ghép các chương trình của ngành Điện, vận động nhân dân thay đổi thói quen, dần thay đổi phương thức liên hệ làm việc kiểu cũ, thích ứng với các dịch vụ trực tuyến hiện đại. Ngoài ra, khi công nhân đi kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện, thực hiện nhiệm vụ ngoài hiện trường, chúng tôi cũng tranh thủ hướng dẫn, vận động người dân cài đặt và sử dụng dịch vụ điện trực tuyến; tuyên truyền lợi ích của dịch vụ công trực tuyến đến từng hộ bằng cách đến tận nhà để hướng dẫn cài đặt và sử dụng app; hướng dẫn người dân gọi đến đầu số 19006769 khi có nhu cầu về các dịch vụ điện hay cài đặt ứng dụng Zalo để nhận thông tin từ ngành Điện.
Theo ông Đặng Văn Hoạch, Trưởng phòng Kinh doanh (PC Thái Nguyên): Nhờ tích cực đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ trực tuyến, từ cuối năm 2021, 100% hợp đồng mua bán điện của khách hàng trên địa bàn tỉnh đã được số hóa. Đến đầu năm 2022, PC Thái Nguyên đẩy mạnh việc tuyên truyền để khách hàng trải nghiệm các dịch vụ trực tuyến. Đến nay, tỷ lệ cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử đã thực hiện đạt 100%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 đạt 100%; tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 81,6%, số tiền điện thu không dùng tiền mặt là 97,2%.
Để duy trì kết quả đạt được, thời gian tới, PC Thái Nguyên tiếp tục tuyên truyền; đẩy mạnh thay thế lắp đặt công tơ điện tử và đo xa; khai thác 100% ứng dụng phần mềm đã triển khai như chương trình quản lý thông báo tập trung, giám sát sản lượng điện bất thường, ứng dụng thu thập thông tin hiện trường, ứng dụng chăm sóc khách hàng ngành Điện. Đồng thời triển khai cung cấp các dịch vụ điện trên nền tảng số, số hóa nghiệp vụ hiện trường trên thiết bị di động, tăng cường thanh toán bằng thiết bị di động. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu suất kinh doanh, nâng cao trải nghiệm, lợi ích để khách hàng thấy được sự công khai, minh bạch và an toàn bằng cách tiếp cận trực tuyến...