Cựu chiến binh biến “sỏi đá thành cơm”

07:49, 20/05/2022

Biết khai thác lợi thế về đất đai, mạnh dạn, nhạy bén trong làm ăn, cần cù lao động... là những yếu tố giúp cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Hải Thanh, xóm Phố, xã La Hiên (Võ Nhai) trở thành gương điển hình phát triển kinh tế ở địa phương. Năm 2021, ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”.

Chia sẻ về những ngày đầu lập nghiệp, ông Thanh cho biết: Năm 1984, sau 4 năm trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ở chiến trường Hòa An, Trà Lĩnh (Cao Bằng), tôi xuất ngũ trở về địa phương. Những năm đầu, cuộc sống của gia đình tôi thiếu thốn đủ bề, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Bởi vậy, tôi đã bàn bạc với vợ tập trung gây dựng kinh tế. Ngày đó, thấy ở trong xóm Cây Thị, nằm sâu trong thung núi - cách nơi tôi ở khoảng 5km, đất đai rộng lớn mà người dân để cỏ cây, lau sậy mọc um tùm, tôi nghĩ "Tại sao không biến khu này thành vườn cây ăn quả có giá trị, “biến sỏi đá” thành cơm?". Nghĩ là làm, vợ chồng tôi đã vay mượn tiền để mua 2ha đất để đầu tư trồng cây ăn quả.

Có đất, vợ chồng ông Thanh kiên trì khai khẩn làm nương bãi để trồng cây ăn quả như hồng, nhãn, vải. Tuy nhiên, sau vài năm, thấy trồng cây vải, hồng không hiệu quả, ông quả quyết chặt bỏ và chuyển sang trồng cam Vinh, mít Thái, bưởi da xanh. Ông Thanh nói: Khi bắt đầu trồng cây ăn quả, tôi gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn cây trồng, kỹ thuật chăm sóc cũng như quá trình vận chuyển cây giống, phân bón vì giao thông thời đó không thuận tiện. Nhưng với tâm niệm “đã làm thì không sợ, đã sợ thì không làm”, tôi kiên trì, cần mẫn tìm tòi học hỏi, từng bước tháo gỡ khó khăn.

Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, 400 gốc cây ăn quả của gia đình ông đã thay nhau ra trái. Theo ông Thanh, rất khó đong đếm về thu nhập vì tùy theo thời tiết, biến động thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm của ông làm ra chất lượng tốt, thương lái tìm vào tận nơi thu mua. Bên cạnh chăm sóc vườn cây ăn quả, ông cũng đang trồng 7ha rừng keo, bạch đàn.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2018, ông Thanh bắt tay vào chăn nuôi gà thịt theo hình thức gia công trên diện tích 1.000m2. Ông đầu tư 1,5 tỷ đồng làm chuồng trại, máy móc thiết bị chăn nuôi... Trung bình mỗi năm, ông nuôi được 2 lứa, mỗi lứa khoảng trên 10 nghìn con. Với mô hình kinh tế tổng hợp này, mỗi năm, trừ chi phí ông thu về từ 300-400 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 5-6,5 triệu đồng/người/tháng.

Ngắm nhìn cơ ngơi của ông, chúng tôi thấy xung quanh đều là rừng keo, bạch đàn xanh rì, vườn cây ăn quả đang đơm hoa, kết trái, 2 khu chuồng trại nằm ở các mỏm đồi. Thật vui lây với thành quả mà cựu chiến binh này đã đạt được sau mấy chục năm nỗ lực.

Ông Trần Văn Công, Chủ tịch Hội CCB xã La Hiên, đánh giá: Ông Thanh là tấm gương đi đầu và có mô hình kinh tế quy mô lớn về phát triển cây ăn quả, trồng rừng và chăn nuôi ở xã. Mô hình của ông đã thu hút nhiều người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Không những là điển hình trong phát triển kinh tế, ông Thanh còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội CCB và phong trào đoàn thể của xã. Ông sẵn sàng ủng hộ tiền bạc cho các gia đình hội viên CCB để xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cây ăn quả... giúp họ phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.