Hiện nay, nhu cầu về thực phẩm sạch (đặc biệt là rau, củ, quả sạch) của người tiêu dùng ngày càng tăng thì việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP là một hướng đi đúng đắn. Nắm bắt xu hướng này, nhiều hợp tác xã (HTX) sản xuất rau, củ, quả trong tỉnh đã nhanh chóng bắt nhịp.
Là một trong số ít các HTX nông sản an toàn trong tỉnh ra đời sớm (từ năm 2017), đến nay, HTX Rau an toàn Hùng Sơn (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) vẫn luôn thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP với tổng diện tích chuyên canh là hơn 30ha.
Anh Trần Văn Hạnh, Giám đốc HTX cho biết: Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ giảm chi phí trong sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế ô nhiễm môi trường… Xác định rõ hướng đi, HTX đã xây dựng phương án sản xuất; vận động, hướng dẫn 10 hộ thành viên và 87 hộ dân liên kết cùng thực hiện chặt chẽ nguyên tắc: Không dùng phân bón hóa học, không dùng thuốc trừ sâu độc hại, không có chất biến đổi gen, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng và không sử dụng thuốc diệt cỏ… Trung bình mỗi ngày HTX xuất bán 1,5-2,5 tạ rau, chủ yếu cung ứng cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoàng Dương (huyện Phú Lương) và một số cửa hàng cung ứng rau sạch tại TP. Thái Nguyên, huyện Đại Từ.
Không chỉ trồng rau màu theo hướng an toàn, một số HTX nông nghiệp trong tỉnh cũng đã áp dụng quy trình này vào khâu trồng, chăm sóc cây ăn quả. Đơn cử như HTX Na La Hiên (xã La Hiên, Võ Nhai). Anh Nông Quang Duy, Giám đốc HTX cho hay: Tính đến nay, HTX có 13/100ha na toàn xã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các sản phẩm của HTX trước khi xuất bán đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, đóng hộp, qua đó giá bán mỗi 1kg na VietGAP sẽ cao hơn từ 5-10 nghìn đồng/kg so với sản phẩm thông thường.
Trung bình mỗi 1ha na, người dân thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Để sản phẩm na có thể xuất khẩu, hiện HTX đang thực hiện xây dựng mã số vùng trồng na với khoảng 10ha. Thời gian tới, để tiếp tục xây dựng, quảng bá sản phẩm na VietGAP La Hiên, HTX sẽ đẩy mạnh kết nối để các thành viên được tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt; hỗ trợ các thành viên tiếp cận với các nguồn vốn; tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm đảm bảo chất lượng sản phẩm đối với mỗi thành viên, hộ liên kết của HTX…
Theo số liệu thống kê của của ngành chức năng tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 400 HTX nông nghiệp, trong đó có khoảng trên 20 HTX chuyên về trồng, sản xuất rau, củ, quả an toàn.
Thời gian qua, các HTX này đã từng bước tham gia vào sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, thiết kế bao bì, mã vạch sản phẩm. Qua đó, người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thương hiệu sản phẩm của HTX, giá trị sản phẩm đã tăng từ 10 - 30%, góp phần nâng cao thu nhập cho các HTX cũng như người lao động.
Ngoài ra, các HTX này cũng góp sức đưa diện tích cây ăn quả toàn tỉnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được chứng nhận đạt 376 ha; diện tích rau toàn tỉnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp giấy chứng nhận là 107ha; sản lượng rau được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng ATTP đạt gần 4.500 tấn/năm.
Thời gian tới, để khuyến khích các HTX sản xuất rau, củ quả an toàn phát triển, các HTX mong muốn: Tỉnh có thêm cơ chế hỗ trợ vốn để các HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyên sâu, bền vững; hỗ trợ một phần kinh phí cho các HTX thực hiện xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới, thuê lao động có trình độ, tay nghề về làm việc có thời hạn trong HTX; đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để HTX liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư…