Toàn huyện Phú Lương có 178 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản. Từ đầu năm đến nay, do gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm nên nhiều cơ sở đã phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.
Cơ sở chế biến lâm sản của anh Trần Văn Kiên, xóm Đồng Đình, xã Yên Ninh, chủ yếu sản xuất 2 mặt hàng chính là gỗ ván bóc và dăm gỗ. Trong đó gỗ ván bóc là mặt hàng chủ lực, đem lại lợi nhuận kinh tế cao của cơ sở. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay anh đang phải chật vật tìm kiếm đầu ra.
Anh Trần Văn Kiên cho hay: Hơn 80% sản lượng của cơ sở được xuất sang Trung Quốc, trong đó chủ yếu là gỗ ván bóc. Tuy nhiên, nhiều tháng nay do những thay đổi về quy định xuất nhập khẩu của Trung Quốc nên một số cửa khẩu khó hoặc không thông quan được. Điều này khiến toàn bộ mặt hàng gỗ ván bóc của chúng tôi không xuất được và đang tồn kho khoảng 200m3. Vì vậy, từ sau Tết Nguyên đán đến nay chúng tôi đã phải giảm 50% số lượng nhân công, đầu tư làm 1 số nhà chứa tạm để bảo quản gỗ ván bóc cho đến khi tìm được đầu ra; đồng thời tập trung nhập gỗ nhỏ để làm dăm gỗ khi có người đặt hàng.
Cũng gặp khó khăn về đầu ra, cơ sở chế biến gỗ của anh Triệu Văn Tính, xóm Đá Mài, xã Yên Đổ đã phải tạm dừng hoạt động từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Theo anh Tính, trước đây khi đầu ra ổn định, trung bình mỗi tháng cơ sở xuất bán được 100m3 sản phẩm gỗ các loại. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay cơ sở không sản xuất và hiện vẫn còn tồn kho 130m3 gỗ ván bóc. Toàn bộ số cây gỗ nhập về từ cuối năm 2021 vẫn chưa được sử dụng và đang có dấu hiệu bị mục, xuất hiện nấm mốc, khó có thể sản xuất…
Cơ sở chế biến lâm sản của anh Trần Văn Kiên, xóm Đồng Đình, xã Yên Ninh, phải mất thêm chi phí để bảo quản khối lượng ván bóc còn tồn kho.
Theo thống kê sơ bộ của Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương, từ đầu năm đến nay trên địa bàn có hơn 40% cơ sở chế biến gỗ phải tạm dừng hoạt động, hầu hết các cơ sở còn lại hoạt động cầm chừng.
Ông Nguyễn Đức Tú, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương cho biết: Phần lớn cơ sở chế biến lâm sản phải tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động theo thời vụ, sản phẩm đầu ra ở dạng thô với giá trị kinh tế không cao, thị trường tiêu thụ bấp bênh, chủ yếu phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi Trung Quốc siết chặt các biện pháp quản lý hàng xuất nhập khẩu thì việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn. Bên cạnh đó, hiện nay giá xuất bán các mặt hàng lâm sản cũng giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong khi giá nhập nguyên liệu lại cao nên các cơ sở phải dừng sản xuất để hạn chế thua lỗ.
Với trên 16 nghìn héc ta đất lâm nghiệp, Phú Lương là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển ngành chế biến lâm sản. Tuy nhiên, thực tế nêu trên cho thấy việc phát triển manh mún, “mạnh ai người nấy làm”, thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ đã khiến hoạt động chế biến lâm sản tại địa phương chưa tương xứng với tiềm năng và hoạt động không ổn định.
Tính đến nay, trên địa bàn vẫn chưa có hợp tác xã hay tổ hợp tác nào về phát triển kinh tế rừng. Chính vì vậy, để giảm dần các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, nâng cao giá trị sản phẩm lâm sản thì chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm, khuyến khích việc thành lập các hợp tác xã chế biến lâm sản; đồng thời thu hút các doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại địa phương…