Từ sản phẩm mỳ gạo truyền thống của gia đình, chị Thạch Thị Hương ở thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) đầu tư thành lập Hợp tác xã (HTX) Mỳ gạo Tiền Phong để nâng cao chất lượng, sản lượng và xây dựng thành công sản phẩm OCOP của huyện vùng cao. HTX đang đầu tư mở rộng sản xuất với tham vọng đưa những sản phẩm này tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài tỉnh.
Chưa có thông tin cụ thể về thời gian ra đời của nghề làm mỳ gạo truyền thống Tiền Phong ở Đình Cả nhưng theo người dân ở đây, khoảng 50 năm trước đã có hàng chục hộ dân làm mỳ gạo cung cấp cho thị trường toàn huyện. Mỳ gạo Tiền Phong được thị trường đánh giá ngon bậc nhất với sợi mỳ mềm, không bị nát rời sau khi nấu và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Chị Thạch Thị Hương là thế hệ thứ ba trong gia đình duy nhất tại làng nghề Tiền Phong duy trì sản xuất mỳ gạo liên tục trong gần 50 năm qua. Được truyền nghề từ mẹ, chị Hương luôn trăn trở hướng đi để nâng tầm cho sản phẩm của gia đình với tham vọng tiêu thụ rộng rãi.
Năm 2020, được sự hỗ trợ của địa phương, chị Hương cùng một số người thân trong gia đình thành lập ra HTX Mỳ gạo Tiền Phong. Khi đi vào hoạt động, HTX đã đầu tư nhà xưởng với hệ thống máy móc chuyên nghiệp như: Máy xay công suất lớn, máy tráng mỳ, máy cắt sợi mỳ, máy đóng gói… nâng công suất từ khoảng 1 tấn/tháng lên 3 tấn sản phẩm/tháng.
Với kỹ thuật gia truyền, HTX đã cho ra thị trường các sản phẩm mỳ khô Tiền Phong đảm bảo an toàn thực phẩm, không chất phụ gia, không chất bảo quản và đặc biệt là bảo đảm chất lượng vốn có của đặc sản mỳ gạo gia truyền, đồng thời được đóng gói với bao bì đẹp, đầy đủ mã QR truy xuất nguồn gốc, thuận tiện cho người tiêu dùng.
Chị Thạch Thị Hương cho biết: Làm mỳ gạo không khó, các công đoạn làm mỳ cũng không quá cầu kỳ nhưng mỗi người làm nghề lại có bí quyết riêng. Muốn có mỳ ngon thì điều quan trọng là phải chọn được gạo ngon và chúng tôi chọn loại gạo bao thai ngon nhất được trồng tại địa phương để làm nguyên liệu.
Cũng theo chị Hương, quy trình sản xuất mỳ gạo khép kín của HTX Mỳ gạo Tiền Phong tương tự như quy trình sản xuất của các cơ sở khác nhưng để có sản phẩm ngon, HTX luôn tuân thủ bí quyết riêng của gia đình. Để đảm bảo kỹ thuật cao nhất, chị vẫn luôn “tham vấn” kinh nghiệm, kỹ thuật từ mẹ đẻ của mình là bà Nông Thị Nga - người đã có gần 50 năm làm mỳ gạo.
Bà Nông Thị Nga cho biết: Để làm ra sản phẩm mỳ gạo đặc sản, bước đầu tiên cần tuyển chọn loại gạo phù hợp, đem về ngâm trong hai ngày, nghiền thành bột ướt rồi tiếp tục ngâm thêm hai ngày nữa trước khi đem bột đi tráng thành bánh. Trong quá trình ngâm bột cần phải thay nước 3 lần/ngày để bột không bị chua. Bánh sau khi tráng, phơi một nắng rồi mới đem đi cắt thành sợi mỳ. Cuối cùng, đem phơi thêm một nắng để ra được thành phẩm mỳ gạo đặc sản Tiền Phong.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng HTX Mỳ gạo Tiền Phong sản xuất 3 tấn mỳ gạo và khoảng 1 tấn bánh phở, bánh cuốn xuất bán ra thị trường, đạt doanh thu trên 100 triệu đồng, tạo việc làm và thu nhập trung bình khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng cho 4 lao động địa phương.
Năm 2021, sản phẩm Mỳ gạo Tiền Phong của HTX được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP của huyện Võ Nhai. Đây là tiền đề để Mỳ gạo Tiền Phong tiếp tục được quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. Với nền tảng vững chắc về sản phẩm và thương hiệu, chị Thạch Thị Hương và HTX Mỳ gạo Tiền Phong đang đầu tư trên 100 triệu đồng xây dựng lò sấy mỳ hiện đại theo công nghệ bơm nhiệt hút ẩm. Khi đi vào hoạt động, lò sấy này có thể giúp HTX nâng công suất lên 2-3 lần so với hiện tại.