Tận dụng nguồn nguyên liệu và lao động dồi dào, nhiều hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển nghề chế biến lâm sản, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Cùng với đó, chủ các cơ sở cũng chú trọng đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất cũng như tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Là đơn vị chuyên sản xuất, thi công lắp đặt các công trình đồ gỗ như: Cửa, ván sàn, cầu thang, trần nhà, phục chế, làm mới các công trình đình, chùa, nhà thờ bằng gỗ… Công ty CP gỗ Phượng Anh, ở phường Tân Thành (TP. Thái Nguyên) đã đầu tư trang thiết bị hiện đại để sản phẩm gỗ nội thất bắt mắt hơn, giúp chinh phục khách hàng.
Cụ thể, Công ty đã trang bị máy cắt gỗ, máy bào 4 mặt và dây chuyền ghép gỗ theo công nghệ Đài Loan, góp phần tiết kiệm thời gian và công sức lao động. Anh Hà Vạn Thọ, Giám đốc Công ty, cho hay: Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nên các sản phẩm của Công ty được người tiêu dùng ưa chuộng vì độ tinh xảo, bền vững theo thời gian. Hiện, Công ty đang tạo việc làm ổn định cho 40 lao động với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng; doanh thu 5 tháng đầu năm của doanh nghiệp đạt 20 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn tỉnh hiện có trên 570 nhà máy, cơ sở chế biến lâm sản, với các sản phẩm chủ yếu như: Gỗ ván bóc, ván dăm, gỗ ghép thanh, ván sàn công nghiệp, mộc gia dụng, đồ gỗ trang trí... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng phát triển một số làng nghề chế biến gỗ như: Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung, phường Tiên Phong và Làng nghề gỗ mỹ nghệ Cẩm Trà, phường Trung Thành (TP. Phổ Yên); Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương; Làng nghề mộc mỹ nghệ Phú Lâm, xã Kha Sơn và Làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu, xã Nga My (Phú Bình). Đây là các làng nghề đã có thương hiệu với nhiều sản phẩm mộc dân dụng được khách hàng trong và ngoài tỉnh lựa chọn bởi giá cả hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp.
Những năm qua, các hộ dân trong làng nghề đã đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm hạn chế sức lao động và tạo ra những sản phẩm tinh xảo, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khắp các vùng miền. Cụ thể, nhiều hộ đã sử dụng máy đục tự động, máy cưa, máy cắt để gia công các chi tiết nhỏ trên sản phẩm với độ chính xác cao. Sản phẩm mà các cơ sở làm ra không chỉ được bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng, mà còn bán buôn cho các đại lý trong và ngoài tỉnh.
Cơ sở chế biến lâm sản của gia đình anh Đinh Công Luận, ở tổ dân phố An Long, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) hiện đang tạo việc làm ổn định cho 7 lao động, với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Văn Bích, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Bích Tâm, ở xã Xuân Phương (Phú Bình), chia sẻ: Trước đây, chúng tôi chủ yếu sản xuất bằng phương pháp thủ công nên số lượng sản phẩm làm ra ít và mẫu mã cũng kém tinh tế. Từ khi đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, năng suất lao động tăng cao và chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên. Hiện, các sản phẩm như: Bàn, ghế, giường, tủ, kệ, sập, bàn thờ... chúng tôi đều có thể tự hoàn thiện các chi tiết chạm trổ tỉ mỉ theo yêu cầu của khách hàng. Ngoài tiêu chuẩn mẫu mã đẹp mắt, chúng tôi luôn đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng không bị cong vênh, rạn, nứt.
Nhờ sự đổi mới này, nếu như trước đây, nhiều khách hàng khó tính thường về tận làng nghề Đồng Kỵ, ở tỉnh Bắc Ninh để mua sản phẩm đồ gỗ nội thất thì nay, nhiều người đã lựa chọn mẫu mã ngay tại các cơ sở sản xuất trong tỉnh. Anh Hoàng Văn Dũng, ở tổ 2, phường Tân Lập (TP. Thái Nguyên), cho biết: Theo lời người quen giới thiệu, tôi vừa mua một bộ bàn ghế tại Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ (Phú Bình). Tôi thấy, các chi tiết được chạm trổ khá tinh xảo, giá cả cũng hợp lý.
Hiện nay, trung bình mỗi năm, Thái Nguyên trồng mới gần 4.000ha rừng, sản lượng gỗ khai thác đạt khoảng 200.000m3/năm. Theo quy định mới, người dân được chủ động trong việc quản lý rừng trồng, tự trồng, tự khai thác và chủ động bán cho các doanh nghiệp chế biến gỗ. Đây là yếu tố thuận lợi để Thái Nguyên phát triển ngành sản xuất, chế biến gỗ, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, bà con trong tỉnh chủ yếu trồng keo, sau chu kỳ từ 5-7 năm là thu hoạch, sản phẩm gỗ chủ yếu làm ván bóc, ván dăm, ván thanh… Trong khi đó, các nhà máy chế biến gỗ công nghiệp thường đòi hỏi những thân cây gỗ lớn. Do chưa có vùng nguyên liệu ổn định nên các đơn vị này chủ yếu thu mua tự do và qua các đầu mối trung gian.
Trước thực trạng trên, trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã lập kế hoạch trồng mới rừng gỗ lớn với diện tích 2.000ha, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 5.000ha; còn giai đoạn 2026-2030, diện tích trồng mới rừng gỗ lớn là 14.000ha. Các loại cây được đưa vào trồng gồm: Keo lá tràm, keo tai tượng, keo lai, trám trắng, trám đen, lát hoa, lim xanh, giổi xanh...
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các tổ chức, hộ dân, cộng đồng dân cư tham gia trồng, khai thác rừng, như: Hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng chậm với mức 15 triệu đồng/ha; hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh 10 triệu đồng/ha và hỗ trợ chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, công khoán bảo vệ rừng theo quy định của Nhà nước.
Với giải pháp cụ thể như trên, tỉnh kỳ vọng, trong thời gian tới, diện tích rừng trồng gỗ lớn của bà con sẽ được cấp chứng chỉ quản lý rừng FSC (một tiêu chuẩn tự nguyện nhằm hỗ trợ quản lý rừng có trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu) gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ rừng; đồng thời, tạo điều kiện thúc đẩy ngành chế biến gỗ phát triển bền vững, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.