Tháng Tư mang đến cho người dân cả nước niềm vui, sự tự hào từ sự kiện lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đối với người dân TP. Phổ Yên, tháng Tư còn ghi thêm dấu ấn đáng nhớ khi chính thức trở thành thành phố, khởi đầu một chặng đường mới: Phát triển thành phố trở thành đô thị thông minh, vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và cả nước.
Đột phá về mọi mặt
TP. Phổ Yên hiện có diện tích tự nhiên trên 250km2, với gần 232 nghìn dân, gồm 18 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 13 phường và 5 xã. Sự phát triển nhanh, mạnh về cơ sở hạ tầng thời gian gần đây với hàng loạt các công trình, dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của thành phố.
Trong đó phải kể đến Tổ hợp quảng trường, công viên cây xanh, hồ điều hòa, trung tâm thiết chế thể thao phục vụ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Với diện tích 42ha, tổng vốn đầu tư trên 540 tỷ đồng, Dự án bao gồm hệ thống giao thông, công viên nước, sân văn hóa sinh hoạt ngoài trời, hồ điều hòa, cung văn hóa, khuôn viên cây xanh… sẽ trở thành điểm nhấn đô thị giữa trung tâm thành phố. Hiện nay, Dự án đang dần hoàn thiện, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 8-2022.
Cùng với đó là sự phát triển mạnh về mạng lưới giao thông, các khu công nghiệp, khu công sở, trường học, bệnh viện, khu dân cư… trên cơ sở quy hoạch tối ưu hóa các khu vực và phân khu chức năng đô thị. Đồng thời, hệ thống giao thông từng bước được hoàn thiện, với nhiều tuyến giao thông huyết mạch được xây dựng, nâng cấp, mở mới, như: Đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội, nâng cấp đường tỉnh 261 trở thành quốc lộ kết nối các tỉnh Vĩnh Phúc - Thái Nguyên - Tuyên Quang, cùng nhiều tuyến giao thông nội thị. Cùng với hệ thống giao thông hiện có, trong tương lai sẽ hình thành mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sự ra đời của Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) TP. Phổ Yên đã đưa thành phố bắt nhịp với xu thế đổi mới, phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Hiện nay, Trung tâm IOC T.P Phổ Yên cơ bản hoàn thành các hạng mục như: Hạ tầng thiết bị, hệ thống phần mềm và dữ liệu về 10 lĩnh vực chính, hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh thông tin nhằm quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Vài năm gần đây, Phổ Yên luôn nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả miền Bắc nói chung. Công nghiệp - xây dựng đang giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Phổ Yên, với tổng giá trị đạt 47.706 nghìn tỷ đồng/năm; giá trị xuất khẩu đạt 27 tỷ USD/năm (chiếm 97% kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh).
Trên địa bàn T.P Phổ Yên hiện có 3 khu công nghiệp với tổng diện tích 690ha; 4 cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống với tổng diện tích 104,64ha; thu hút 28 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 6,7 tỷ USD; 19 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 5.700 tỷ đồng. Sự hiện diện của Tập đoàn Samsung và nhiều công ty đa quốc gia đã khẳng định thương hiệu của Phổ Yên về thu hút đầu tư.
Kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng hiện đại, công nghiệp - dịch vụ tăng nhanh, tốc độ đô thị hóa cao… Tất cả đã kiến tạo cho Phổ Yên diện mạo mới của một thành phố năng động, phát triển.
Định hình một thành phố công nghiệp hiện đại
Với vai trò, vị trí quan trọng, TP. Phổ Yên có thể xem là đầu tầu phát triển kinh tế của tỉnh, khu liên vùng, tạo động lực cho các địa phương khác trong vùng. Nhận thức rõ điều đó, ngay sau khi Phổ Yên chính thức trở thành thành phố thứ ba của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố đã tập trung thông tin, tuyên truyền đến toàn thể nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn xây dựng kế hoạch hoạt động cho đơn vị hành chính mới.
Cùng với đó, thành phố thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị và khối đơn vị sự nghiệp ở địa phương.
Với mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, xây dựng TP. Phổ Yên trở thành đô thị công nghiệp hiện đại, đồng chí Bùi Văn Lương, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Bước vào chặng đường mới này, cấp ủy, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX gắn với điều kiện thực tiễn của địa phương, triển khai một cách toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Phổ Yên lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân một lòng thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao các tiêu chí của đô thị loại 3, từng bước hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị loại 2 vào năm 2025.
Để thực hiện tốt mục tiêu này, thành phố sẽ khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế, trên cơ sở sự chung sức, đồng lòng của chính quyền - người dân - doanh nghiệp. Đặc biệt là tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, xúc tiến thu hút đầu tư trên cơ sở có lựa chọn, không thu hút đầu tư bằng mọi giá, trong đó ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các công trình đầu tư công trên địa bàn đã được thông qua theo Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, thành phố. Đẩy mạnh chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, gắn với xây dựng Phổ Yên là thành phố thông minh.
Từ nay đến năm 2025, TP. Phổ Yên phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể: Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt 1.153.950 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 110 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân 10%/năm và đến năm 2025 đạt 1.625 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Từ đó khẳng định Phổ Yên là một thành phố công nghiệp, hiện đại, tạo nên hình ảnh mới về mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, quê hương Vua Lý Nam Đế.