Trong bối cảnh hiện nay, khi công tác phòng, chống dịch COVID-19 bước sang giai đoạn mới - giai đoạn thích ứng linh hoạt và bình thường trở lại, cũng là lúc các địa phương tập trung giải “bài toán” phục hồi kinh tế. Đây là thời điểm thích hợp để tăng tốc thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, khắc phục những hậu quả mà dịch bệnh để lại. Thái Nguyên là tỉnh đang triển khai quyết liệt nội dung này.
Mục tiêu mà tỉnh Thái Nguyên đặt ra là nỗ lực phục hồi kinh tế, đảm bảo tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 8% trở lên. Để hoàn thành mục tiêu, ngoài tiếp tục phòng, chống dịch hiệu quả, ổn định đời sống xã hội, tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, triển khai hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, sáng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân.
Tỉnh chủ trương mở cửa nền kinh tế trên cơ sở nhất quán các quy định về lưu thông hàng hóa, dịch vụ và sản xuất an toàn, duy trì hoạt động liên tục, ổn định. Tập trung xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngay trong tháng 5/2022 làm cơ sở thu hút đầu tư.
Phục hồi kinh tế cần nhất là đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiệp, cơ cấu lại nông nghiệp và phát triển thương mại, dịch vụ. Thái nguyên có nhiều khu công nghiệp tập trung, nên nhiệm vụ mà tỉnh đặt ra chính là tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư, nhất là các dự lớn, trọng điểm như: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc; Sân vận động Thái Nguyên; Đường Vành đai V đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên; Phát triển tổng hợp đô thị động lực - Thành phố Thái Nguyên…
Đồng thời chú trọng hoàn thiện chính sách về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tích cực thu hút đầu tư lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, tạo sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường.
Đối với nông nghiệp, tỉnh tập trung phát triển sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Về thương mại, dịch vụ, tỉnh chỉ đạo thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân của tỉnh để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công...
Tỉnh Thái nguyên phấn đấu, trong quý III và quý IV năm 2022 sẽ khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn, đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình mở cửa của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí theo quy định; gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022 theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế; hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo quy định; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; không để xảy ra hiện tượng đầu cơ, trục lợi, găm hàng, chờ giá hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý.
Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ; triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.