Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Định Hóa ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả do thanh niên làm chủ. Đóng góp vào kết quả này không thể không nhắc tới hoạt động hỗ trợ, tạo sức bật cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) khởi nghiệp, tiếp cận khoa học kỹ thuật, nguồn vốn vay ưu đãi, học nghề… do Huyện đoàn Định Hóa phát động.
Anh Hoàng Đình Lập, sinh năm 1992, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông sản an toàn ATK Định Hóa (xã Phượng Tiến), là một trong những thanh niên khởi nghiệp thành công tại mảnh đất quê hương. Sau khi nhận tấm bằng kỹ sư công nghệ sinh học tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, anh Lập quyết định khởi nghiệp tại quê hương.
Tháng 8-2018, anh Lập cùng 7 người khác thành lập HTX Sản xuất nông sản an toàn ATK Định Hóa, chuyên sản xuất các loại các loại rau, củ, quả, như: Dưa lưới, dưa lê, dưa chuột, cà chua, đậu Hà Lan... Đến nay, HTX có 5 cửa hàng, điểm bán nông sản và gần 30 cộng tác viên ở 6 tỉnh khác nhau. Doanh thu của HTX đạt gần 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập từ 5,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Anh Lập chia sẻ: Trong quá trình phát triển HTX, tôi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Đoàn Thanh niên các cấp trong việc kết nối với những điểm tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu tham gia lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trồng trọt, kết nối với chương trình hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp…
Hay như tại xã Bình Thành, địa phương hiện có nhiều mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ ngày càng phát triển. Tận dụng lợi thế về vị trí địa lý của xã nằm ở phía Nam, giáp với huyện Đại Từ, có hệ thống giao thông thuận tiện, nhiều thanh niên trong xã đã khởi nghiệp thông qua các mô hình kinh tế, như: Vận tải, chế biến lâm sản, gia công đồ may mặc… Trong đó, nổi bật là mô hình xưởng may gia công của anh Dương Văn Hoàng, có doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập 4-6 triệu đồng/người/tháng; cơ sở chế biến lâm sản của anh Bùi Văn Công cho thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 15 lao động với mức thu nhập 4-7 triệu đồng/người/tháng; gia trại nuôi lợn rừng của anh Dương Văn Tuyển với trên 50 con lợn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm…
Đồng chí Bùi Văn Cường, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bình Thành, cho biết: Xã có trên 10 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ bước vào giai đoạn hoạt động ổn định, có lãi. Nhằm giúp các thanh niên khởi nghiệp, Ban Chấp hành Đoàn xã đã có những sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực, như: Cử đoàn viên, thanh niên tham gia các lớp đào tạo nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; kiến nghị với Huyện đoàn tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp; nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng nguồn vốn 8,5 tỷ đồng cho đoàn viên, thanh niên vay vốn giải quyết việc làm, thoát nghèo…
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, tính từ năm 2017 đến nay, Huyện đoàn Định Hóa đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức hơn 170 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho gần 3.400 lượt đoàn viên, thanh niên nông thôn; 17 buổi giới thiệu và tư vấn việc làm cho 800 lượt đoàn viên, thanh niên; nhận ủy thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 141 tỷ đồng cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế; tặng cây giống, con giống (ổi, keo, quế, lợn giống...) cho đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn để có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đào Thị Thanh Tuyền, Bí thư Huyện đoàn Định Hóa, cho hay: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách về khởi nghiệp, lập nghiệp và giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên; tìm kiếm và hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, lập nghiệp, nâng cao trình độ, tay nghề; hỗ trợ đoàn viên, thanh niên nông thôn tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Thông qua các hỗ trợ thiết thực đối với đoàn viên, thanh niên, tổ chức Đoàn không chỉ mong muốn giúp nhiều đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp thành công mà còn lan tỏa tinh thần tự thân lập nghiệp đến các thanh niên khác trong toàn huyện.