Thái Nguyên là vùng đất có nhiều huyền thoại về sông Công, núi Cốc, hang Phượng Hoàng, về các trận chiến đấu chống giặc ngoại xâm... Những năm gần đây, Thái Nguyên đã có những đổi thay, chuyển mình mạnh mẽ...
Giao thông đi trước...
Tôi đã từng ở Thái Nguyên khi công tác tại Bộ Tư lệnh Quân khu 1. Thời tôi ở đó (năm 2016, 2017), Thái Nguyên đã có bước tăng trưởng đáng tự hào. Thế nhưng vào năm 2022 này, trở lại Thái Nguyên, tôi thật bất ngờ trước sự “thay da đổi thịt” rất nhanh của vùng quê cách mạng. Đặc biệt là hệ thống giao thông vận tải và các khu công nghiệp (KCN) hiện đại.
Lý giải về “bộ mặt” mới của xứ trà, anh bạn đồng nghiệp với tôi ở Báo Thái Nguyên đọc bài thơ không biết tác giả là ai nhưng phản ánh đúng chủ trương của Tỉnh ủy Thái Nguyên trong nhiệm kỳ này: “Giao thông đi trước/ Công nghiệp bước theo/ Chiến thắng đói nghèo/ Làm giàu bền vững...”.
Quả thật, giao thông ở đây đã đi trước một bước. Trong 5 năm qua, Thái Nguyên đã triển khai và hoàn thành rất nhiều dự án giao thông quan trọng, như: Đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội, đường gom nối KCN Yên Bình và KCN Điềm Thụy, đường 36m từ nút giao Sông Công vào KCN Sông Công II, Đường Hồ Chí Minh, đường Thái Nguyên-Chợ Mới, đường Bắc Sơn kéo dài, đường Việt Bắc, cầu Bến Tượng... và nhiều dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường nội thị.
Sản xuất điện thoại thông minh tại Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên.
Để thu hút đầu tư mạnh, phát triển kinh tế-xã hội nhanh chóng đưa Thái Nguyên từ tỉnh trung du miền núi thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, điều tiên quyết các nhà lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã nghĩ tới và tổ chức hành động đó là phải khẩn trương cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây mới hệ thống đường giao thông trọng yếu đi qua “vùng kinh tế công nghiệp sôi động”, đó là các huyện, thành phố, thị xã phía nam của tỉnh. Đây là điều kiện tiên quyết để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại Sông Công, Phổ Yên, Phú Bình...
5 năm trước, đến một số thôn, xóm của huyện Võ Nhai, chúng tôi phải đi xe “ôm” hay đi bộ. Giờ đây ngồi xe ô tô có thể đến được tất cả các điểm đó. Theo số liệu thống kê của tỉnh, từ khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, Thái Nguyên đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được hơn 2.000km đường giao thông nông thôn. Nếu như năm 2011 cả tỉnh chỉ có duy nhất một xã đạt tiêu chí về đường giao thông trong chương trình nông thôn mới thì hiện nay tất cả các xã trong tỉnh đều đã cơ bản đạt được tiêu chí này. Giao thông được ví như chiếc “chìa khóa” để thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới và giờ đây nó còn được coi là “chìa khóa” mở hướng làm giàu cho bà con.
Công nghiệp “bước” theo...
Cùng với giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp của Thái Nguyên cũng được xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại trong 5 năm qua. Đó là những nhân tố chính giúp kết quả thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp liên tục đạt những mốc đột phá.
Cái hay, cái sáng tạo của Thái Nguyên là ngoài nguồn lực trực tiếp từ ngân sách, tỉnh đã chỉ đạo triển khai hiệu quả cơ chế vận động nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất một lần để xây dựng hạ tầng một số KCN, điển hình là KCN Điềm Thụy và KCN Sông Công II.
Năm 2021 vừa qua, mặc dù không tránh khỏi những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, nhưng với những giải pháp linh hoạt, phù hợp, sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên vẫn đạt 6,56%, cao gấp 2 lần bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2020. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 28,8 tỷ USD, tăng 2,4% so với kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đã đạt 95,1 triệu đồng, tăng 6,4 triệu đồng/người so với năm 2020.
Thái Nguyên đã nằm trong top 10 địa phương có thu nhập bình quân lao động trong doanh nghiệp cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố, đạt 9,4 triệu đồng/người/tháng. Về kết quả thu ngân sách, với 18.000 tỷ đồng, Thái Nguyên nằm trong số 20 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất toàn quốc, vượt hơn 4.700 tỷ đồng so với kế hoạch Chính phủ giao.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Thái Nguyên hiện tại đang là một trong những địa phương có các lợi thế phát triển công nghiệp với 7 KCN và 41 cụm công nghiệp, 6.000ha quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp. Tỉnh có 3 thành phố trực thuộc, trong đó Phổ Yên là một thành phố trẻ, dư địa phát triển về kinh tế rất lớn. Trên địa bàn tỉnh đang có 170 doanh nghiệp FDI với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ USD. Ngoài ra, tỉnh còn có lợi thế phát triển du lịch với các danh thắng nổi tiếng; nguồn nhân lực dồi dào với 9 trường đại học, 27 trường cao đẳng dạy nghề, 9 cơ sở đào tạo nghề cấp huyện; mỗi năm đào tạo 15-20 nghìn lao động. Tỉnh cũng sẵn sàng đào tạo lao động theo đơn đặt hàng của các nhà đầu tư, hỗ trợ kinh phí đào tạo, cơ sở vật chất để đào tạo lao động.
Đột phá phát triển kinh tế số
Ấn tượng lớn nhất khi trở lại Thái Nguyên trong năm 2022 này là sự đột phá về kinh tế số của tỉnh. Sự đột phá này theo đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên được tính mốc từ ngày 31-12-2020, ngày mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết số 01-NQ/TU đề ra mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2025, Thái Nguyên thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Hồ Núi Cốc, địa điểm du lịch nổi tiếng của Thái Nguyên.
Mục tiêu cụ thể và cơ bản đến năm 2030 là chính quyền số với hơn 90% dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% tại cấp huyện và 70% ở cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế dựa trên dữ liệu của các cơ quan Nhà nước, hạ tầng internet vạn vật; giảm 30% thủ tục hành chính, mở dữ liệu cho tổ chức, doanh nghiệp. Hơn 70% hoạt động thanh, kiểm tra được thực hiện trên môi trường số. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó kinh tế số chiếm 30% GRDP; phấn đấu có 3.000 doanh nghiệp số. Hình thành và phát triển nhanh một Thái Nguyên là một xã hội số với băng thông rộng cáp quang dịch vụ di động 5G, 80% dân có tài khoản thanh toán điện tử...
Để phát triển kinh tế số đến các địa phương trong tỉnh, Thái Nguyên đã triển khai thử nghiệm thành công mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng. Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập ở các thôn, bản, xóm, tổ dân phố. Mỗi tổ có 2-5 thành viên, nòng cốt là: Lãnh đạo thôn, bản, xóm, tổ dân phố; chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ và các tình nguyện viên tại khu dân cư. Những người tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng cần có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số và có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số.
Thái Nguyên đã là tỉnh có sự thăng hạng ngoạn mục về chuyển đổi số khi xây dựng thành công mô hình smart city với yếu tố lõi là trung tâm điều hành thông minh (IOC), an toàn thông tin mạng xếp loại A, 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Năm 2020, tỉnh Thái Nguyên vẫn đứng thứ 44/63 trên bảng xếp hạng Vietnam ICT Index. Thế nhưng, sau năm 2021, Thái Nguyên xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về chuyển đổi số; trong đó, chỉ số về chính quyền số xếp thứ 3 toàn quốc.
Mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng của tỉnh Thái Nguyên thuộc nhóm 7 địa phương xếp loại A (quan tâm triển khai an toàn thông tin ở mức tốt), nhóm dẫn đầu cả nước. Toàn tỉnh hiện đã cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh.
Như vậy, Thái Nguyên lại một lần nữa sáng tạo để tạo ra kỳ tích mới, cùng một lúc thực hiện lồng ghép nhiệm vụ mới là chuyển đổi số và cải thiện môi trường đầu tư, tăng trưởng kinh tế bền vững.
Trên TP. Thái Nguyên hôm nay, tôi hình dung ra bức tranh kinh tế-xã hội của Thái Nguyên đến năm 2030-năm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng. Chắc chắn, lúc đó ở Thủ đô gió ngàn sẽ có nhiều thay đổi khi Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đã trở thành hiện thực. Đến ngày đó sẽ có người cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020-2025-giai đoạn thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX cũng là một kỳ tích.