Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh có một số mỏ than thực hiện đóng của mỏ hoặc tạm dừng khai thác nên sản lượng than sụt giảm. Cùng với đó, nguồn than nhập từ nước ngoài về gặp khó khăn nên hoạt động sản xuất của nhiều đơn vị phụ thuộc vào than bị ảnh hưởng không nhỏ…
Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 15 mỏ than được cấp phép khai thác, trong đó có 5 mỏ đang hoạt động, với tổng sản lượng khai thác đạt khoảng 1,4 triệu tấn than sạch/năm. Một số mỏ có sản lượng khai thác than lớn, như: Phấn Mễ (100 nghìn tấn); Khánh Hòa (hơn 500 nghìn tấn); Núi Hồng (gần 370 nghìn tấn). Mỏ than Cát Nê, Yên Phước (Đại Từ), Mỏ than Bá Sơn thuộc xã Cổ Lũng (Phú Lương) cũng có công suất khai thác từ 8,5 - 33 nghìn tấn/năm.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có 40 cơ sở chế biến, kinh doanh để cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn than mỗi năm. Sản lượng than khai thác hằng năm của các mỏ và các cơ sở chế biến, kinh doanh đã đáp ứng đủ nguồn than sạch làm nguyên, nhiên liệu phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp luyện kim, nhiệt điện, sản xuất xi măng và nhà máy trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, một số mỏ than trên địa bàn tỉnh đã dừng khai thác do hết giấy phép, dừng hoạt động do bị điều tra sai phạm khiến sản lượng than khai thác sụt giảm.
Cụ thể: Mỏ Làng Cẩm (Mỏ than Phấn Mễ), công suất khai thác từ 90-100 nghìn tấn/năm tạm dừng khai thác để chuyển đổi giấy phép; Mỏ than Bá Sơn, công suất khai thác 33 nghìn tấn/năm, hết hạn khai thác nên thực hiện đóng cửa mỏ; Mỏ than Yên Phước, công suất khai thác 8,5 nghìn tấn/năm dừng khai thác do bị điều tra sai phạm; Mỏ than Cát Nê tạm dừng khai thác… Vì vậy, sản lượng than sụt giảm, nguồn than cung cấp cho hoạt động sản xuất của một số nhà máy có xáo trộn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc về việc ưu tiên nguồn than cho nhiệt điện thì 2 đơn vị sử dụng than lớn nhất là Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn và Nhà máy Nhiệt điện An Khánh (tổng khối lượng sử dụng khoảng 900 nghìn tấn/năm) vẫn được đảm bảo nguồn than phục vụ sản xuất.
Còn lại, hầu hết các doanh nghiệp sử dụng than đều bị ảnh hưởng khi một số mỏ trên địa bàn tỉnh đóng cửa và việc nhập khẩu than từ Nga bị gián đoạn do xung đột Nga - Ucraina.
Theo đại diện của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Mỏ than Phấn Mễ là nơi duy nhất cả nước có than mỡ. Đây là nguyên liệu không thể thay thế trong luyện cốc. Trước đây, Mỏ than Phấn Mễ cung cấp toàn bộ lượng than cho Công ty, còn hiện nay Mỏ dừng khai thác ở Mỏ Làng Cẩm nên đơn vị phải nhập toàn bộ than mỡ từ Nga và Úc, với khối lượng lên đến hàng trăm nghìn tấn/năm để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, gầy đây việc nhập than từ Nga gặp nhiều khó khăn…
Còn ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Quang Sơn cho biết: Nhu cầu than phục vụ sản xuất của đơn vị khoảng 250 nghìn tấn/năm. Trước đây, chúng tôi nhập than ở nước ngoài về thì chất lượng tốt hơn và cũng rẻ hơn than trong nước, với mức giá khoảng gần 2,8 triệu đồng/tấn. Còn hiện nay, đơn vị phải tìm nguồn trong nước nhưng cũng rất khó và giá cao ở mức khoảng 3,6 triệu đồng/tấn, “nhiều lúc có tiền cũng không mua được”. Thái Nguyên có Mỏ than Khánh Hòa và Mỏ than Núi Hồng có công xuất khai thác lớn nhưng cũng chỉ cung cấp cho các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nên tình trạng thiếu nguyên liệu của chúng tôi khá nghiêm trọng.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, tổng sản lượng than sạch của thái nguyên đạt hơn 1,4 triệu tấn/năm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động nhập than từ các nơi về để chủ động trong sản xuất. Hiện nay, một số mỏ than đóng cửa nên sản lượng than khai thác giảm. Ngoài ra, một số đơn vị nhập khẩu than từ Liên bang Nga bị ảnh hưởng nên giá than cũng cao hơn so với trước. Tuy có xáo trộn về giá cả, nhưng hiện nguồn than sử dụng cho các doanh nghiệp vẫn cơ bản trong tầm kiểm soát.