Tiện lợi, an toàn với mô hình chợ 4.0

07:54, 13/05/2022

​Được triển khai thí điểm tại chợ Hùng Sơn (Đại Từ), mô hình chợ 4.0, với đặc trưng thanh toán không dùng tiền mặt, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương. Dự kiến, sắp tới, mô hình này sẽ được triển khai trên diện rộng nhằm thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số tại Thái Nguyên.

Mô hình chợ 4.0 được Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Viettel Thái Nguyên và UBND huyện Đại Từ triển khai thí điểm tại chợ Hùng Sơn từ cuối tháng 4-2022. Mô hình nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm.

Với mô hình chợ 4.0, tiểu thương và người dân có thể mua bán mọi mặt hàng bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money. Tại chợ Hùng Sơn, Viettel Thái Nguyên đã xây dựng các điểm nạp/rút tiền với gần 30 nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ tiểu thương và bà con có nhu cầu sử dụng. Đồng thời, trang bị mã QR cho hơn 150 trong số 400 tiểu thương tại chợ, kết nối với hàng chục ngân hàng và các ví điện tử, tạo tài khoản Viettel Money để hỗ trợ tiểu thương và khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến.

Lần đầu tiên sử dụng dịch vụ, chị Nguyễn Thị Lý, xóm Hòa Bình, xã Khôi Kỳ, vui vẻ: Tôi đã thấy báo chí nói nhiều về thanh toán không dùng tiền mặt nhưng hôm nay bản thân mới được trải nghiệm. Quả thật, hình thức này rất tiện lợi, tôi có thể thoải mái đi chợ mà không còn những trở ngại như mang theo tiền lẻ, tính toán tiền thừa… Chỉ với 1 chiếc điện thoại là có thể sử dụng để giao dịch tại các sạp hàng và ki-ốt trong chợ.

Người dân Đại Từ thanh toán không dùng tiền mặt qua ứng dụng do Viettel cung cấp.

Còn chị Bùi Thị May, chủ hộ kinh doanh hoa quả tại chợ Hùng Sơn, chia sẻ: Tôi được nhân viên của Viettel hướng dẫn kỹ lưỡng nên việc triển khai thanh toán theo hình thức không dùng tiền mặt rất thuận lợi. Bước đầu, đã có hàng chục lượt khách hàng của tôi sử dụng hình thức này để thanh toán.

Còn bà Đào Thị Nhàn, bán văn phòng phẩm, nói: Tôi đã bán hàng gần 50 năm và mới chỉ mới sử dụng phương pháp thanh toán qua mã QR được hơn 2 tuần. Nhưng tôi thấy hình thức này thuận tiện, nhanh chóng hơn rất nhiều. Người mua hàng của tôi cũng rất hài lòng với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện tại, Viettel có 1.700 điểm giao dịch thanh toán, nạp/rút tiền mặt và trên 3.000 điểm chấp nhập thanh toán không dùng tiền mặt qua ứng dụng Viettel Money trên toàn tỉnh. Với người dùng đầu cuối, Viettel có tới 120.000 khách hàng hiện đang sử dụng ứng dụng thanh toán Viettel Money trên thiết bị di động thông minh. Viettel Thái Nguyên đặt mục tiêu sẽ phát triển khoảng 10.000 điểm chấp nhận thanh toán qua Viettel Money trong toàn tỉnh vào cuối năm 2022, qua đó, mở rộng cánh cửa giao thương, phát triển kinh tế số cho người dân trong giai đoạn bình thường mới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Hồng Quân, Giám đốc Viettel Thái Nguyên, thông tin: Việc quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money rất thuận tiện, nhất là khi mua bán với khách du lịch vì du khách thường ngại mang theo nhiều tiền mặt trong người. Người mua chuyển tiền vào tài khoản, thanh toán tiền hàng qua ứng dụng nên giao dịch diễn ra rất nhanh chóng. 

Chia sẻ về mô hình chợ 4.0, ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Việc đẩy mạnh triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nằm trong kế hoạch phát triển trụ cột kinh tế số của tỉnh. Sau khi triển khai thí điểm thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ và các địa phương mở rộng mô hình ra các chợ trong toàn tỉnh nhằm thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân, đồng thời, tạo nền tảng phát triển thương mại điện tử.