Thời gian qua, từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Phú Lương đã có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống và từng bước thoát nghèo.
Gia đình chị Hoàng Thị Đều, ở xóm Khuân Rây, xã Phủ Lý là một trong những hộ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2017-2020. Nhờ nguồn vốn này, chị đã có sinh kế ổn định.
Chị Đều chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Trước đây, nhà tôi không có nguồn thu nhập ổn định, đời sống rất khó khăn. Được sự vận động, định hướng của Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm, tôi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Sau gần 2 năm, tôi đã có nguồn thu từ việc bán nghé và bê con. Từ số tiền thu được, vừa qua, tôi tiếp tục đầu tư trồng 1ha rừng keo để tăng thu nhập cho gia đình; đồng thời, sắm sửa thêm đồ dùng trong nhà, mua xe đạp cho con đi học. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, kinh tế của gia đình tôi đã phát triển, chất lượng cuộc sống được cải thiện hơn so với trước. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tăng gia sản xuất để sớm thoát nghèo.
Không riêng gia đình chị Đều, toàn huyện Phú Lương hiện có 6.255 hộ DTTS được tiếp cận các chương trình tín dụng của NHCSXH. Ngoài chính sách dành riêng cho đối tượng là người DTTS, các hộ còn được vay vốn ở chương trình cho vay hộ nghèo, học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường... Tính đến ngày 30/4/2022, dư nợ cho các hộ DTTS trên địa bàn là 285 tỷ đồng (chiếm gần 70% tổng dư nợ của NHCSXH huyện Phú Lương).
Để nguồn vốn chính sách thực sự trở thành người bạn đồng hành của đồng bào DTTS, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Lương luôn chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình, vốn vay của NHCSXH tới các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng; vận động, định hướng bà con người DTTS mạnh dạn vay vốn để phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Đi liền với đó, để nguồn vốn phát huy hiệu quả, đến đúng đối tượng, NHCSXH huyện chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn. Theo đó, tại các buổi giao dịch hằng tháng, cán bộ tín dụng của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện sẽ tổ chức giao ban với tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn để nắm bắt tình hình tại cơ sở; phổ biến, giải thích cho tổ viên về chủ trương, chính sách của Nhà nước về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; hướng dẫn nghiệp vụ quản lý vốn ủy thác cho cán bộ chuyên trách; tháo gỡ khó khăn và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp đối với các trường hợp sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ quá hạn hoặc không có khả năng trả nợ. Ngoài ra, NHCSXH huyện cũng phân công cán bộ tín dụng địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý nguồn vốn ủy thác của tổ tiết kiệm và vay vốn tại các xã, thị trấn.
Bằng những giải pháp đồng bộ, thời gian qua, nguồn vốn vay của NHCSXH đã trở thành “bà đỡ” giúp nhiều hộ đồng bào DTTS vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS trên địa bàn huyện Phú Lương là 3,78% (giảm 6,14% so với năm 2016).
Ông Nguyễn Văn Quỳnh Anh, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Lương, cho biết: Hiện, tỷ lệ đồng bào DTTS trên địa bàn chiếm 50,6% tổng dân số toàn huyện. Với mục tiêu từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho người DTTS, thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhanh chóng, đầy đủ các chương trình, chính sách tín dụng của Nhà nước đến người dân; đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc cung cấp thông tin về các quy định vay vốn, chính sách của Nhà nước tới các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Đặc biệt, Phòng giao dịch cũng đang đẩy mạnh phối hợp với Phòng dân tộc huyện để sớm triển khai Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.