Những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh phục hồi mạnh mẽ khi tăng cả về lượng và giá trị ở nhiều nhóm hàng, góp phần quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đây là cơ sở để các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo đà cho xuất khẩu trong các quý tiếp theo, phấn đấu đạt mục tiêu đã đề ra.
Năm 2022, Thái Nguyên đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8%, trong đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 9%, với 30,02 tỷ đô la Mỹ.
Để đạt mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư. Ngay trong tháng 2 vừa qua, tin vui đã đến khi Tập đoàn Samsung quyết định đầu tư thêm gần 1 tỷ USD vào Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại KCN Yên Bình để mở rộng quy mô sản xuất, đưa Thái Nguyên nhanh chóng vươn lên xếp thứ hai cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI trong 2 tháng đầu năm.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đánh giá: Việc tỉnh Thái Nguyên trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sớm hơn so với dự kiến, cùng sự hỗ trợ kịp thời các thủ tục khác đã giúp Samsung rút ngắn kế hoạch đầu tư mở rộng dự án, đưa nhà máy vào vận hành sớm nhất có thể, qua đó nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng thị trường xuất khẩu và sự tăng trưởng chung.
Dư địa từ kết quả thu hút đầu tư FDI trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đã tạo những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của cả năm nay, nhất là ở lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh trong 4 tháng đầu năm vẫn là điện thoại thông minh, máy tính bảng và sản phẩm điện tử khác, chiếm 95% tổng giá trị xuất khẩu.
Ông Miao Cheng Xiang, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển năng lượng Trina Solar (KCN Yên Bình), cho biết: Với sự giúp đỡ tích cực của chính quyền tỉnh Thái Nguyên, sau 5 tháng xây dựng và hoàn thành nhà máy, chúng tôi đã bắt tay ngay vào sản xuất, tìm kiếm thị trường. Hiện, chúng tôi đã có lô hàng tế bào quang điện và mô-đun Vertex đường kính 210mm đầu tiên sản xuất tại tỉnh Thái Nguyên, đánh dấu việc Công ty bắt đầu phân phối hết công suất các mô-đun Vertex 550W trên toàn cầu, giúp Trina Solar trở thành công ty năng lượng mặt trời đầu tiên cung cấp các mô-đun tích hợp tế bào quang điện đường kính 210mm đến thị trường Bắc Mỹ. Ngoài ra, trong năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu và Trung Quốc.
Đặc biệt, lợi thế từ các hiệp định thương mại, sự dịch chuyển kinh tế dưới tác động của đại dịch COVID-19 cũng tạo ra những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước và địa phương.
Cùng với đó, nhờ các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế của nhà nước và sự chủ động đổi mới công nghệ, nên nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp may mặc, công nghiệp cơ khí, khai khoáng đã mở rộng được thị trường truyền thống và tìm kiếm các thị trường mới.
Sản xuất lều dã ngoại xuất khẩu tại Chi nhánh may TNG Phú Bình.
Anh Cao Đức Thịnh, Trưởng Phòng Sản xuất Chi nhánh may Phú Bình 1 (Công ty CP Đầu tư & Thương mại TNG), cho biết: Ngoài các sản phẩm truyền thống, từ đầu năm chúng tôi bát đầu ký kết hợp đồng sản xuất 56 nghìn lều dã ngoại 2P, 3P cho Tập đoàn Decathlon. Chúng tôi đang dự kiến mở thêm 4 chuyền may để đáp ứng sản xuất 100 nghìn lều dã ngoại cho Decathlon trong thời gian tới.
Còn ông Nguyễn Xuân Tốt, Giám đốc Công ty TNHH Trung Thành nói: Chúng tôi đã có lô hàng xuất khẩu trị giá trên 500.000 USD và hàng nhập khẩu trị giá gần 1.000 tỷ đồng để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Năm 2022, Trung Thành phấn đấu đạt chỉ tiêu vượt từ 10-15% tăng trưởng so với năm 2021.
Ông Nguyễn Văn Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Dù phải đối mặt nhiều khó khăn song xuất khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh vẫn thu về kết quả khá tích cực. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 10,77 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 98% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh) đạt trên 10,56 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế trong nước đạt 212 triệu USD, tăng 43,6% so với cùng kỳ, góp phần hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao.
Có được kết quả này là nhờ cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt, khai thác tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và chủ động xây dựng các phương án, kịch bản sản xuất, kinh doanh tái cấu trúc, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực và mở rộng, phát triển thị trường trong bối cảnh dịch bệnh.
Xuất khẩu hàng hóa được kỳ vọng tiếp tục khởi sắc trong những quý tiếp theo, đặc biệt nhờ sự trợ lực từ các chính sách phục hồi nền kinh tế của Trung ương và của tỉnh cùng với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do FTA. Qua đó góp phần quan trọng để tỉnh Thái Nguyên hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo quỹ đạo tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.