Gần 63.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2022

05:52, 04/06/2022

Chiều 4-6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ đã chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2022.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, ngày 4-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2022, tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ngân sách nhà nước trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022.

Các ý kiến tại phiên họp đánh giá, tình hình quốc tế, trong nước trong 5 tháng đầu năm có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, khó khăn chồng khó khăn, tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực, các hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ, hầu hết các lĩnh vực đều tăng so với tháng trước và cùng kỳ. Bức tranh kinh tế - xã hội tháng 5-2022 khác rất nhiều so với tháng trước, nhất là tháng 5-2021, khi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư bắt đầu. Dịch bệnh được kiểm soát nhưng chúng ta không chủ quan, lơ là, tiếp tục thực hiện chương trình phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe người dân.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 2,25% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 1,29% của năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng giai đoạn 2017-2020); thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định (tín dụng tăng 7,73% so với cuối năm 2021); các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; thu ngân sách nhà nước ước đạt 57,1% dự toán, tăng 18,7%.

Cùng với đó, sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi, tháng 5 tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 8,3%.

“Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 62.961 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2021; có 35.615 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 57,8%; có 71.805 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nói.

Quang cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ.

Về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã quyết tâm, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, sau hơn 4 tháng triển khai đã hoàn thành khối lượng lớn công việc. Chính phủ đã ban hành 6 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định để cụ thể hóa các chính sách phục hồi và phát triển. Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 05/2022/TT-BKHCN ngày 31-5-2022, hướng dẫn có hệ thống và có nhiều điểm mới về nội dung chi và quản lý "Quỹ phát triển khoa học và công nghệ" của doanh nghiệp.

Về những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 6 và thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung làm tốt một số nhiệm vụ. Trước hết, tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tập trung đẩy mạnh thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin bảo đảm an toàn, khoa học, kịp thời, hiệu quả, nhất là tiêm vắc xin cho trẻ em. Bộ Y tế hướng dẫn về “5K” phù hợp tình hình mới; nghiên cứu sửa đổi quy định tiêm vắc xin cho phù hợp.

Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; chuẩn bị tốt các hoạt động tri ân Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7). Tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; đẩy nhanh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Đồng thời, tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng.

“Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, rà soát, nghiên cứu giải pháp phù hợp với các vấn đề liên quan sách giáo khoa theo hướng tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của học sinh, phụ huynh”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nói.