Hợp tác xã - “trụ đỡ” cho kinh tế nông hộ

07:25, 24/06/2022

Những năm qua, kinh tế tập thể luôn được huyện Phú Lương chú trọng phát triển, nổi bật là số lượng hợp tác xã (HTX) tăng nhanh. Sự ra đời của các HTX đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ sản xuất trên địa bàn.

Từ những hộ sản xuất chè nhỏ lẻ, năm 2017, bà Trương Thị Hoa, xóm Minh Hợp, xã Tức Tranh đã liên kết với 7 hộ dân khác để thành lập HTX sản xuất trà an toàn Thái Ninh. Sau gần 5 năm hoạt động, HTX ngày càng phát triển, giúp các hộ hội viên có nguồn thu nhập ổn định.

Bà Trương Thị Hoa, đại diện HTX sản xuất trà an toàn Thái Ninh, cho biết: Trước đây, khi sản xuất theo quy mô nông hộ, đầu ra cho sản phẩm chè của gia đình tôi và các hội viên rất bấp bênh, chất lượng sản phẩm chưa cao, giá thành thấp. Sau khi thành lập HTX, tôi đã cùng với các hội viên thống nhất thay đổi quy trình sản xuất chè an toàn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, HTX cũng đứng ra thu mua chè tươi cho các hội viên với giá ổn định, sau đó, chế biến và xuất bán ra thị trường. Đến nay, trung bình mỗi tháng, HTX xuất bán được 1 tấn chè búp khô với giá từ 250 đến 800 nghìn đồng/kg. HTX đã thu hút được thêm 6 hội viên tham gia.

Vốn là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp nên tỷ lệ HTX hoạt động trong lĩnh vực này trên địa bàn huyện Phú Lương chiếm tới 90%. Theo thống kê, toàn huyện có 64 HTX thì có tới 57 HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (tăng 20 HTX so với năm 2019). Thời gian qua, các HTX nông nghiệp trên địa bàn đã từng bước phát huy được vai trò "trụ đỡ" cho kinh tế nông hộ, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của bà con nông dân. Điển hình như HTX chè an toàn Khe Cốc, HTX chè an toàn Hoan Xuyến, HTX nông nghiệp sạch Công Minh, HTX nông sản nếp Vải Ôn Lương… Trong năm 2021, 8 HTX trên địa bàn huyện Phú Lương có sản phẩm được công nhận đạt sao OCOP.

Để đạt được kết quả như vậy, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ các HTX phát triển bền vững. Trong đó, giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật HTX năm 2012, các cơ chế hỗ trợ phát triển HTX từ Trung ương đến địa phương; tập huấn cách thức quản trị HTX, sản xuất và xúc tiến thương mại trên sàn thương mại điện tử…

Anh Lộc Văn Minh, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Công Minh (xã Yên Trạch) chia sẻ: Sau khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia lớp đào tạo “Giám đốc HTX nông nghiệp” cùng với đi tham quan thực tế một số mô hình HTX trong và ngoài tỉnh, tôi đã biết cách vận hành HTX sao cho phù hợp với loại hình sản xuất, đảm bảo hiệu quả. Hiện, trung bình mỗi hội viên trong HTX có thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, từ các nguồn vốn lồng ghép, hằng năm, huyện Phú Lương cũng đẩy mạnh hỗ trợ các HTX về máy móc sản xuất, chế biến sản phẩm. Ngoài ra, huyện cũng tạo điều kiện cho các HTX tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các lễ hội, hội chợ được tổ chức trong và ngoài huyện, như: Lễ hội Đền Đuổm, Hội chợ Xuân, Hội chợ mỗi xã, phường một sản phẩm… 

Để tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả trên địa bàn, theo ông Ma Tiến Kốp, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương: Địa phương sẽ quan tâm hơn nữa đến việc tập huấn, tuyên truyền cho người đứng đầu HTX về luật và cách quản trị HTX; huy động, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ cơ sở vật chất, máy móc thiết bị cho HTX; chú trọng xây dựng các mô hình HTX hiệu quả làm "hạt nhân" để các đơn vị khác học tập và làm theo…