Hợp Tiến là xã nằm trong nhóm đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ, đặc biệt là giao thông. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, diện mạo nông thôn của xã có những thay đổi tích cực với nhiều công trình đã và đang được đầu tư xây dựng. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự chung tay góp sức của người dân nơi đây.
Nằm ở phía Đông Nam, cách trung tâm huyện Đồng Hỷ gần 30km, xã miền núi Hợp Tiến có trên 1.600 hộ với hơn 6.500 nhân khẩu, cư trú tại 9 xóm. Trên địa bàn xã có 7 dân tộc cùng chung sống, trong đó trên 70% là đồng bào dân tộc Dao. Tại hầu hết các xóm như Bãi Vàng, Mỏ Sắt, Đoàn Kết, Đèo Bụt… đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do giao thương hàng hóa gặp nhiều trắc trở. Không chỉ về giao thông, do các nguồn đầu tư về hạ tầng cơ sở ở địa phương chưa đồng bộ nên đời sống người dân còn khó khăn.
Sau khi được huyện Đồng Hỷ lựa chọn là xã tiếp theo hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2020, Đảng ủy, chính quyền xã Hợp Tiến xác định: Phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn là ưu tiên hàng đầu, là "chìa khóa” để xã phát triển về mọi mặt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và sớm hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.
Chia sẻ về các giải pháp thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, ông Lê Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết: Do đặc thù của xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên chúng tôi tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân đối với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, xã luôn coi trọng phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng.
Điển hình như xóm Mỏ Sắt có 320 hộ thì có tới 98% là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế của người dân chủ yếu trông chờ vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động và nỗ lực của chính người dân, gần 7km đường nối từ Quốc lộ 17 vào xóm đã được người dân hiến toàn bộ đất để thi công xây dựng. Những tuyến đường trục xóm cũng được người dân đối ứng nhanh chóng và đầy đủ ngay khi mới bắt đầu tiến hành thi công.
Ông Triệu Văn Vinh, Trưởng xóm Mỏ Sắt, cho hay: Ngoài làm đường giao thông, xóm chúng tôi còn xây mới nhà văn hóa. Được Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng, mỗi nhân khẩu trong xóm đóng góp 1 triệu đồng để xây nhà văn hóa. Mặc dù đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, song được tuyên truyền, vận động, người dân hiểu rõ về xây dựng nông thôn mới chính là vì nhân dân nên họ vui vẻ tham gia.
Bên cạnh việc tham gia đóng góp tiền của, ngày công lao động, không ít gia đình còn hiến hàng trăm mét vuông đất thổ cư, tháo dỡ công trình, chặt phá cây cối, hoa màu để bàn giao đất thi công các công trình hạ tầng nông thôn. Đơn cử như gia đình ông Bàn Phúc Trìu, xóm Cao Phong đã hiến 600m2 đất ở, đất trồng cây lâu năm và gần 2.200m2 đất rừng, tự tháo dỡ công trình phụ để thi công đường từ Quốc lộ 17 vào hồ Hố Chuối; hoặc thi công tuyến ĐT269B đi qua xóm Đoàn Kết, gia đình ông Bàn Phúc Lưu, xóm Mỏ Sắt, hiến 2.400m2 đất rừng sản xuất, đất trồng lúa, 40 bụi tre phấn; ông Triệu Tiến Báo, xóm Đồng Trình hiến 230m2 đất ở và hoa màu trên đất; ông Nguyễn Hữu Hiển, ở xóm Đoàn Kết hiến gần 600m2 đất làm đường...
Từ năm 2012 đến nay, người dân xã Hợp Tiến đã hiến gần 50ha đất các loại, đóng góp trên 3 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn. 10 năm qua, toàn xã đã xây dựng được gần 46km đường bê tông; rải cấp phối 5,8km đường giao thông; mỗi năm xã tu sửa trên 20km đường giao thông nông thôn… đảm bảo cho nhân dân đi lại, sản xuất và sinh hoạt thuận tiện. Ngoài ra, Hợp Tiến còn xây dựng 3,7 km kênh mương; xây mới và cải tạo sửa chữa công trình trụ sở làm việc UBND xã, trường THCS, trường Tiểu học, nhà văn hóa xã; 9/9 nhà văn hóa xóm; khu trung tâm văn hóa thể thao xã…
Không chỉ đầu tư cho hạ tầng nông thôn, Hợp Tiến cũng tích cực triển khai thực hiện các chương trình đề án, dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô sản xuất hàng hóa tập trung. Phát huy nội lực để đầu tư trọng điểm phát triển kết cấu hạ tầng, những năm qua, xã Hợp Tiến đã cải thiện được đời sống người dân và góp phần nâng cao thu nhập từ 28 triệu đồng/người/năm (năm 2017) lên trên 37 triệu đồng/người/năm như hiện nay. Đời sống nhân dân được cải thiện chính là cơ sở để huy động nguồn lực chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương miền núi này.