Xúc tiến thương mại trong bối cảnh mới

08:12, 19/06/2022

Xúc tiến thương mại (XTTM) được xem là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mỗi địa phương. Mặc dù dịch COVID-19 có chiều hướng lắng xuống, song không thể lơ là bởi nguy cơ dịch bùng phát trở lại vẫn cao. Chính vì thế, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng phương án XTTM một cách linh hoạt trong điều kiện có dịch COVID-19.

Đánh giá của ngành Công Thương Thái Nguyên cho thấy, thời gian qua hoạt động XTTM trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao về chất lượng, đa dạng hóa về hình thức, thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần hỗ trợ tìm kiếm đối tác mới, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, tình hình hội nhập và mở cửa thị trường hiện nay đang đặt ra cho các DN những thách thức cạnh tranh không nhỏ, nhất là trong bối cảnh chưa hết dịch COVID-19.

Trước thực tế trên, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng kế hoạch XTTM giai đoạn 2022-2025 nhằm khuyến khích, hỗ trợ các DN mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Mục tiêu quan trọng đặt ra là từng bước đưa các sản phẩm của Thái Nguyên hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và thế giới, nhất là các thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA); phấn đấu giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân từ 7%/năm trở lên, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng bình quân từ 11%/năm trở lên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 13%/năm.

Kế hoạch đề ra là vậy, song để đạt được không đơn giản, nhất là trong điều kiện nhiều quốc gia vẫn đang gồng mình chống dịch. Giải pháp mà tỉnh đặt ra là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong XTTM, quảng bá thương hiệu thông qua thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số.

Theo đó, tỉnh chủ trương áp dụng mạnh mẽ công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác. Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương hỗ trợ đưa các sản phẩm của DN Thái Nguyên tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” và các hội chợ, triển lãm quốc tế trên môi trường mạng.

Ngoài ra, tỉnh sẽ phối hợp với Cục XTTM - Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan hỗ trợ cung cấp cơ sở dữ liệu thị trường, dữ liệu DN xuất khẩu, xây dựng các kênh tương tác trực tiếp với các DN để kết nối giao thương.

Hỗ trợ DN khai thác và sử dụng hiệu quả các website thương mại điện tử, thiết lập gian hàng và bán hàng thông qua các trang thương mại điện tử chính thống; tổ chức phân phối sản phẩm trên kênh quảng bá và giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, các kênh bán hàng online, sàn thương mại điện tử có uy tín trong nước và quốc tế như: Sàn Postmark.vn, Sàn Voso (Viettel post), Tiki, Ladaza...

Đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên tham gia các chương trình hợp tác giữa Bộ với Google, Alibaba, Amazon để quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước và hướng đến xuất khẩu. Tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo trực tuyến qua các phần mềm Zoom, Tencen...