Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế

07:50, 01/07/2022

Bám sát cơ sở để nắm bắt mong muốn của bà con, tạo điều kiện hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế là hoạt động được Hội Nông dân (HND) xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, chú trọng thực hiện trong nhiều năm qua. Qua đó, đã góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên.

HND xã Vô Tranh hiện có 1.734 hội viên. Những năm qua, để đồng hành với hội viên phát triển kinh tế, HND xã luôn chú trọng triển khai các giải pháp để thực hiện hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Đây là một trong 3 phong trào lớn được các cấp HND thực hiện thường xuyên hàng năm.

Trong đó, giải pháp trọng tâm được Hội quan tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Hiện nay, Hội đang nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với tổng dư nợ gần 74 tỷ đồng, cho trên 960 hội viên vay. Từ các nguồn vốn vay đã góp phần giúp hội viên nông dân có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Ngoài nguồn vốn tín dụng, HND xã còn kết nối cho hội viên tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp. Tính từ năm 2018 đến nay, xã đã được tiếp cận 2 dự án “Trồng và chăm sóc chè theo hướng hữu cơ” từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh. Thụ hưởng 2 dự án này, 20 hội viên được vay 50 triệu đồng/hộ để đầu tư trồng, chăm sóc, chế biến chè theo hướng hữu cơ.

Cùng với đó, HND xã còn đẩy mạnh kết nối, phối hợp với các đơn vị để đưa những chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế phù hợp với tiềm năng của địa phương. Từ năm 2019 đến nay, HND xã đã phối hợp triển khai được 7 dự án, chương trình trên địa bàn, thu hút nhiều hội viên tham gia. Điển hình như Dự án xây dựng mô hình sản xuất chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm với quy mô 50ha; Dự án trồng bưởi Diễn quy mô 5ha cho 40 hộ hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo; Dự án chăn nuôi gà lông màu an toàn sinh học quy mô 5.000 con với 10 hộ tham gia… Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị… để sản xuất.

Hằng năm, HND xã cũng đẩy mạnh phối hợp tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật để nâng cao kiến thức, kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên. Trung bình mỗi năm, Hội cấp xã phối hợp tổ chức được trên 15 lớp, với khoảng 35-40 hội viên/lớp. Không chỉ vậy, Hội còn thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số mô hình nông nghiệp hiệu quả trong và ngoài huyện.

Bằng các giải pháp thiết thực, HND xã Vô Tranh đã trở thành chỗ dựa vững chắc trong việc đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo là hội viên nông dân trên địa bàn xã giảm còn 2,4% (giảm 2,38% so với năm 2015). Thu nhập bình quân của các hộ hội viên nông dân đạt 47 triệu đồng/người/năm (tăng 17,2% so với năm 2015).

Anh Nguyễn Cảnh Vệ, xóm Liên Hồng 8, xã Vô Tranh, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo, đời sống kinh tế khó khăn. Năm 2014, được sự vận động, hướng dẫn của HND xã, tôi được tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 20 triệu đồng. Từ số tiền này, tôi đã cải tạo đất, mở rộng tổng diện tích trồng chè cành lên gần 3.600m2. Nhờ cây chè, đời sống của gia đình tôi ngày càng cải thiện và thoát nghèo vào năm 2016. Mới đây, HND xã còn tạo điều kiện cho tôi tiếp cận Dự án “Sản xuất, chế biến chè theo hướng hữu cơ”. Tham gia Dự án, tôi được vay 50 triệu đồng để phát triển cây chè. Từ nguồn vốn này, tôi tiếp tục cải tạo nương chè và đầu tư máy sao, máy vò chè bằng Inox. Nhờ đó, chất lượng và giá trị sản phẩm chè của gia đình ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Chủ tịch HND xã Vô Tranh, cho biết: Với những kết quả đạt được, HND xã liên tục được nhận giấy khen, bằng khen của HND các cấp, chính quyền xã Vô Tranh và huyện Phú Lương. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hội viên thi đua phát triển kinh tế; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đặc biệt, Hội sẽ tập trung đẩy mạnh vận động hội viên liên kết, thành lập các mô hình kinh tế tập thể, chi, tổ hội nghề nghiệp; hướng dẫn, khuyến khích hội viên đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.