Từ cuối tháng 3-2022 trở lại đây, giá gà tăng mạnh, mang lại lợi nhuận khá cho người chăn nuôi, khiến bà con phấn khởi. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi "neo" ở mức cao, cơ quan chức năng khuyến cáo bà con vẫn cần cẩn trọng trong việc tăng đàn để tránh tình trạng cung vượt cầu, gây khó khăn cho khâu tiêu thụ sản phẩm.
Nếu như cách đây khoảng 5 tháng, giá gà lông màu được nuôi tại các trang trại chỉ vào khoảng 50 nghìn đồng/kg, thì đến thời điểm này đã tăng lên 70-95 nghìn đồng/kg, tùy từng giống gà và thời gian nuôi.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Khang, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại An Khang, ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ), phấn khởi: Bắt đầu từ ngày 15-3, khi Nhà nước có chính sách thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra trong trạng thái bình thường thì nhu cầu tiêu dùng thịt gà tăng mạnh, khiến giá gà cũng bắt đầu tăng. Ban đầu, giá gà được nâng lên mức 55 nghìn đồng/kg và tăng liên tục, cho đến nay là 70 nghìn đồng/kg, có loại bán được với giá 95 nghìn đồng/kg, đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua. Hiện, Hợp tác xã nuôi hơn 20.000 con gà các giống: Mía, lai chọi, gà hồ… và sức tiêu thụ đều tốt. Mặc dù giá gà tăng nhưng giá cám cũng lên cao, do đó, hiện chúng tôi chỉ được lãi khoảng 15 nghìn đồng/kg sau gần 4 tháng chăm sóc.
Còn ông Ngô Quang Luân, hộ chăn nuôi gà ri thả đồi ở xóm Cà, xã Tân Khánh (Phú Bình), nói: Đầu tháng 7, gia đình tôi vừa xuất bán hơn 1.000 con gà ta lò với giá 95 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, gia đình tôi thu lãi khoảng 25 triệu đồng. Hiện, trong chuồng nhà tôi vẫn đang tiếp tục nuôi 4.000 con. Tuy vậy, để nuôi 1.000 con gà đến lúc xuất chuồng, chúng tôi phải tốn 140 triệu đồng chi phí cám, đắt hơn so với cách đây 2 năm khoảng 60 triệu đồng. Nguyên nhân là do giá cám tăng.
Không chỉ riêng gà lông màu, giá gà lông trắng được nuôi tại các trang trại gia công cũng đã tăng từ 30 nghìn đồng/kg lên 38 nghìn đồng/kg. Theo khảo sát của chúng tôi tại một số chợ đầu mối, giá các loại gà cũng đã tăng lên rõ rệt so với thời điểm trước. Cụ thể, giá gà mía, gà hồ nguyên lông tăng khoảng 15 nghìn đồng/kg (từ 70 nghìn đồng lên 85-100 nghìn đồng/kg); giá gà thịt sẵn tăng 20 nghìn đồng/kg, từ 100 nghìn đồng lên 130 nghìn đồng/kg.
Theo nhiều hộ chăn nuôi, nguyên nhân giá gà tăng là bởi hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc tiêu thụ gặp khó, thêm vào đó, giá cám tăng trong khi giá gà lại giảm mạnh nên nhiều trang trại đã giảm đàn, thậm chí, có hộ còn bỏ trống chuồng khiến nguồn cung giảm. Giá gà đang tăng mạnh là tín hiệu vui cho người chăn nuôi sau một thời gian dài thua lỗ vì giá bán ra thấp hơn chi phí đầu vào.
Bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình - địa phương có tổng đàn gà lớn trong tỉnh, cho biết: Mặc dù giá gà tăng, hộ chăn nuôi có lãi nhưng chúng tôi vẫn khuyến cáo bà con không nên tăng đàn ồ ạt mà cần căn cứ vào tình hình chuồng trại và nhu cầu của thị trường để đầu tư chăn nuôi với quy mô hợp lý. Ngoài ra, bà con cũng được hướng dẫn chú ý đến công tác phòng, chống dịch bệnh để đàn gia cầm sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo ông Phạm Quang Phúc, Chủ tịch Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh: Khi tái đàn, người chăn nuôi cần lưu ý đến chất lượng con giống. Đồng thời, bà con cần tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và tiến hành khử độc tiêu trùng chuồng trại thường xuyên để tránh rủi ro trong chăn nuôi.
Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh hiện có khoảng 14,8 triệu con, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện nay, giá gà đang duy trì ở mức ổn định và có lãi nên người dân đang có xu hướng tái đàn, tăng đàn để phục vụ nhu cầu thực phẩm tăng mạnh dịp cuối năm. Đây là tín hiệu phục hồi tốt cho ngành Chăn nuôi sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, bà con cần cẩn trọng khi chăn nuôi, tránh tái đàn ồ ạt gây nên tình trạng cung vượt cầu ở thời điểm xuất chuồng khiến giá gà giảm và khó tiêu thụ.