Những năm gần đây, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) luôn quan tâm, khuyến khích và hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn… Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của địa phương tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao.
Nằm không xa Quốc lộ 1B, xóm Trung Thần nổi bật với những ngôi nhà xây hiện đại, được phủ kín bởi màu xanh của các loại lan rừng. Theo các hộ dân ở đây, nghề trồng và nhân giống lan rừng bắt đầu được người dân địa phương biết đến cách đây hơn 20 năm. Ban đầu, trồng lan chỉ là thú vui của vài người khi đi rừng gặp những giò lan đẹp mang về treo trong vườn nhà. Dần dần, khi lan rừng trở nên “hot” và được nhiều người săn lùng thì người dân Trung Thần coi đây là một nghề kiếm sống và tập trung đầu tư những giàn trồng lan rừng khá công phu. Giàn loại nhỏ có giá khoảng vài chục triệu đồng, giàn loại to, có thể trồng khoảng 500 giò hoa lan, kinh phí đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ông Trần Đức Long, Trưởng xóm Trung Thần, nói: Xóm có trên 180 hộ dân thì tới 130 hộ tham gia trồng hoa lan. Nhà ít thì cũng có vài chục giò, nhà nhiều lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn giò, không ít hộ trong xóm mỗi năm thu nhập tiền tỷ từ trồng lan. Nhờ lan rừng, nhiều hộ trở nên giàu có, mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền như gia đình các ông: Trương Văn Năm, Trương Văn Sinh, Diệp Văn Tuấn…
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Trung, cho biết: Xã đang hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục thành lập làng nghề trồng hoa lan xóm Trung Thần. Trong tương lai, khi làng nghề được thành lập sẽ tạo ra việc làm, bảo đảm sinh kế và nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân.
Cùng với hoa lan, ở xã Hóa Trung còn hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất theo quy trình an toàn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Điển hình như mô hình trồng nhãn ghép với quy mô 30ha, mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP 15ha, mô hình trồng trám ghép quy mô 6ha… Đặc biệt, Hợp tác xã chè Tuyết Hương, xã Hóa Trung, được thành lập từ năm 2012, đến nay đã có 2 sản phẩm Minh Tâm Trà và Bảo Lâm Trà được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Hiện Hợp tác xã chè Tuyết Hương đang hướng đến xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao và phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng mô hình du lịch cộng đồng theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Bên cạnh đó, với lợi thế có Quốc lộ 1B đi qua địa bàn, Hóa Trung có điều kiện thuận lợi để mở rộng phát triển thương mại, dịch vụ cả về quy mô và loại hình. Đến nay, toàn xã có 5 công ty, doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực: Kim khí, gạch tuynel, khai thác khoáng sản. Ngoài ra, xã còn có gần 200 hộ, cơ sở kinh doanh "bám" dọc 2 bên Quốc lộ.
Nói thêm về định hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới, ông Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Duy cho hay: Chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ gắn với phát triển khu trung tâm xã; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của địa phương; phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu nhân dân.
Xã Hóa Trung cũng đang đề nghị huyện Đồng Hỷ, tỉnh hỗ trợ kinh phí (khoảng 5 tỷ đồng) để xây dựng chợ trung tâm trên địa bàn, có diện tích khoảng 5.000m2, nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Hóa Trung phấn đấu đến hết năm 2022, thu nhập bình quân của người dân đạt từ 45 triệu đồng/người/năm trở lên, đạt tiêu chí thu nhập của xã nông thôn mới nâng cao…