Ngày 13/7, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá, triển vọng kinh tế toàn cầu thời gian qua đã xấu đi đáng kể và có thể sẽ còn tiếp tục u ám hơn, do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine và lạm phát tăng nhanh, gây nguy cơ đói nghèo lan rộng.
Cảnh báo trên được đưa ra chỉ vài tháng sau khi IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong các năm 2022 và 2023.
Kinh tế toàn cầu vốn đã chật vật tìm đường hồi phục do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột tại Ukraine càng khiến tình hình thêm khó khăn, lạm phát tăng đe dọa đảo ngược những thành quả hồi phục đã đạt được.
Trong bài đăng trên blog cá nhân trước thềm cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính G20 diễn ra tại Bali (Indonesia) trong 2 ngày 15 và 16/7, bà Kristalina Georgieva cho biết, IMF dự kiến tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2022 và 2023.
Bà cho rằng năm 2022 có thể sẽ là năm khó khăn với kinh tế toàn cầu và nhiều khả năng năm 2023 sẽ còn khó khăn hơn khi nguy cơ suy thoái tăng.
IMF sẽ công bố bản cập nhật báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới trong tháng 7, trong đó bà Kristalina Georgieva cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức thấp hơn 3,6% đã được nêu trong báo cáo công bố hồi tháng 4.
Bà Georgieva lưu ý IMF đã cảnh báo tình hình sẽ xấu đi do có những nguy cơ tiềm ẩn và từ đó đến nay, một số nguy cơ đã trở thành sự thực. Cuộc khủng hoảng đa tầng mà thế giới đang đương đầu đã trở nên trầm trọng hơn.
Triển vọng kinh tế vẫn đặc biệt không rõ ràng và bà Kristalina Georgieva lo ngại những người nghèo nhất là những người chịu tác động nặng nền nhất. Nguy cơ bất ổn xã hội cũng tăng do giá thực phẩm và năng lượng tăng.
Sau 1 thập kỷ lạm phát thấp, giá cả trên toàn thế giới tăng trong bối cảnh nhu cầu tăng vượt khả năng cung, khi các nền kinh tế vừa khởi động trở lại sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh.
Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine càng khiến giá nhiên liệu và thực phẩm tăng mạnh.
Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu ngũ cốc chính trên thế giới, trong khi Nga cũng là một nhà cung cấp năng lượng quan trọng của châu Âu.
Lạm phát tăng cũng đặt ra 1 bài toán chính sách khó khi các ngân hàng trung ương phải nâng lãi suất để kiểm soát giá.
Tuy nhiên, việc tăng lãi suất đồng nghĩa với chi phí đi vay tăng tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, làm gia tăng gánh nặng nợ công cho các nước này.
Dù vậy, bà Kristalina Georgieva nhấn mạnh ưu tiên hiện nay phải là kiềm chế lạm phát bất chấp nguy cơ suy thoái. Bà cho rằng việc hành động sớm sẽ gây ít hậu quả hơn hành động muộn.
Triệt tiêu ảnh hưởng của xung đột và đại dịch là những ưu tiên hàng đầu, chỉ có thể được giải quyết thông qua những biện pháp hỗ trợ tài chính và giãn nợ.
Theo bà Kristalina Georgieva, việc giảm nợ là đặc biệt cần thiết với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển với các khoản nợ chủ yếu là tiền ngoại tệ, sẽ dễ bị tác động bởi tình hình tài chính ngày càng chặt chẽ trên toàn cầu.
Bà kêu gọi G20 thúc đẩy hợp tác quốc tế, trong đó các nước giàu hơn cung cấp hỗ trợ cần thiết cho các nước nghèo hơn.
Để tránh nguy cơ đói nghèo, suy dinh dưỡng và di cư lan rộng, các nước giàu có nên hỗ trợ khẩn cấp cho những nước đang cần được giúp đỡ thông qua các cơ chế cấp vốn song và đa phương, loại bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu thực phẩm mới được áp dụng gần đây.
Các nhà hoạch định chính sách nên sẵn sàng các công cụ can thiệp tỷ giá hối đoái, hoặc quản lý dòng vốn ở những nơi mà các cú sốc từ bên ngoài có thể tác động mạnh tới mức mà chỉ riêng chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt không thể giúp ứng phó hiệu quả.
Các nước có tỷ lệ nợ công cao nên giảm phụ thuộc vào các khoản vay bằng ngoại tệ và thu hẹp chi tiêu tài khóa để giảm gánh nặng lãi suất ngày càng tăng.