Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt

07:18, 19/07/2022

Thời gian gần đây, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng thể hiện rõ tính ưu việt bởi sự nhanh chóng, thuận tiện và an toàn. Từ năm 2021 đến nay, thực hiện công tác chuyển đổi số, huyện Phú Lương đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm khuyến khích phát triển nền tảng thanh toán trực tuyến trên địa bàn.

Thực hiện Chương trình hành động số 07-Ctr/HU của Huyện ủy Phú Lương về công tác chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, việc đẩy mạnh triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện đề ra nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số.

Theo đó, huyện đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các tổ chức tín dụng, quan tâm triển khai phát triển thanh toán điện tử để phục vụ người dân. Trên cơ sở đó,một số ngân hàng trên địa bàn đã đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai việc trả lương, thanh toán hóa đơn tiền điện, học phí qua tài khoản; hỗ trợ người dân, tiểu thương sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động mua bán…

Bà Nguyễn Hồng Huệ, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Phú Lương, cho biết: Ban Giám đốc đã giao cho đoàn viên thanh niên của đơn vị đến từng hộ kinh doanh ở các khu dân cư, chợ để tư vấn mở tài khoản, mở thẻ ATM, cài đặt và tạo mã VietQR miễn phí trên ứng dụng Agribank E-mobile Banking… Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng phối hợp với Điện lực Phú Lương tuyên truyền, khuyến khích người dân đăng ký dịch vụ thanh toán tiền điện qua tài khoản; phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện triển khai thanh toán học phí và các khoản thu khác qua phần mềm quản lý thu EMIS tới 100% trường học trên địa bàn. Tính đến nay, Ngân hàng đã tư vấn, hỗ trợ trên 12,4 nghìn khách hàng cài đặt ứng dụng Agribank E-mobile Banking; 515 hộ kinh doanh, đơn vị cài mã VietQR; 1.620 khách hàng đăng ký ủy quyền thu tiền điện qua tài khoản.

Cán bộ Agribank chi nhánh huyện Phú Lương hướng dẫn hộ kinh doanh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính quyền các cấp cũng đẩy mạnh phối hợp với các ngân hàng để triển khai thanh toán điện tử trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Bà Dương Thị Thu Lê, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, cho hay: Đầu năm nay, xã đã phối hợp với Agribank cài đặt và tạo mã QR tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thủ tục hành chính. Mặc dù tính đến nay, số người dân thanh toán lệ phí thông qua việc quét mã QR chưa nhiều nhưng chúng tôi nhận thấy rằng, hình thức thanh toán này sẽ sớm được đông đảo người dân biết đến và sử dụng do tính tiện lợi và nhanh chóng, chính xác.

Song hành cùng với giải pháp trên, huyện Phú Lương cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, định hướng của địa phương liên quan đến chương trình chuyển đổi số nói chung và thanh toán không sử dụng tiền mặt nói riêng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị; từng bước thay đổi thói quen dùng tiền mặt của cán bộ và người dân.

Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương, cho hay: Thời gian tới, nhằm thúc đẩy thanh toán trực tuyến, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Viettel Thái Nguyên mở chợ 4.0 tại chợ Đu; tăng cường tập huấn cho 214 tổ công nghệ số cộng đồng về chuyển đổi số, trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt; yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường phối hợp với ngân hàng trong việc tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng nền tảng thanh toán trực tuyến…