Nông dân Phú Lương chung sức thoát nghèo

06:33, 25/07/2022

"Thi đua làm giàu, giúp nhau giảm nghèo bền vững là một phong trào có sức lan tỏa sâu, rộng trong toàn Hội. Từ phong trào này đã thôi thúc người nông dân quyết tâm vượt lên chính mình, sáng tạo trong sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Nhờ vậy, đã góp phần thực hiện thắng lợi 2 chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới." - Bà Lê Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Lương, tâm đắc.

Giai đoạn 2019-2022, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được Hội Nông dân đã thu hút hơn 30.300 lượt gia đình hội viên trên địa bàn huyện Phú Lương đăng ký tham gia. Qua bình xét hằng năm, có gần 15.000 lượt hộ đạt danh hiệu Sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Phong trào đã tạo động lực thúc đẩy hội viên tích cực đầu tư sản xuất; sản xuất có kế hoạch và khoa học; từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.

Để phong trào ngày càng chất lượng, Hội Nông dân huyện Phú Lương đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan đồng thuận triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân về đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian 3 năm gần đây, các cấp Hội đã tổ chức hơn 100 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, với hơn 6.300 lượt hội viên tham gia; hơn 200 hội thảo đầu bờ, với gần 10.000 lượt hội viên tham gia.

Qua các lớp tập huấn và hội thảo, hội viên nông dân được nâng cao trình độ canh tác, ứng dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến, an toàn trong thực hiện mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao được chất lượng, giá trị sản phẩm. Đến nay, 5 sản phẩm của hội viên Hội Nông dân huyện Phú Lương đã được cơ quan chức năng của tỉnh công nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, gồm: Mật ong (Tổ hợp tác nuôi ong xã Động Đạt); chè Tôm nõn (Hợp tác xã chè Khe Cốc, xã Tức Tranh); gạo nếp Vải (xã Phủ Lý), bánh chưng số 9 Bờ Đậu (xã Cổ Lũng) và Tâm trà Khe Cốc (xã Tức Tranh).

Cùng với chuyển giao khoa học kỹ thuật, Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác cho gần 3.200 gia đình hội viên vay vốn phát triển sản xuất, với tổng dư nợ xấp xỉ 132 tỷ đồng. Cũng thông qua tổ chức Hội Nông dân, trực tiếp là 116 tổ tiết kiệm - vay vốn, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đã giải ngân cho hơn 2.300 gia đình hội viên vay, với tổng dư nợ gần 222 triệu đồng. Cùng với  đó, Quỹ Hỗ trợ Nông dân thực hiện giải ngân 4,3 tỷ đồng cho hội viên thực hiện 7 dự án phát triển sản xuất.

Bà Nguyễn Ánh Tuyết, cán bộ Hội Nông dân huyện Phú Lương, cho biết: Qua kiểm tra việc sử dụng vốn vay hằng năm từ các nguồn, 100% gia đình hội viên đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy được hiệu quả đồng vốn.

Có vốn vay kịp thời, gia đình hội viên không bị "đuối đà" trong phát triển kinh tế, không phải đi vay mượn bên ngoài với lãi suất cao. Nhất là vào thời điểm vật nuôi chuẩn bị xuất bán, lúa ngoài đồng sắp gặt. Cùng với đó, nhờ được tiếp cận với khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến; kết hợp với kinh nghiệm sản xuất truyền thống của gia đình đã tạo đà cho hội viên nông dân Phú Lương vươn lên phát triển kinh tế.

Nhiều gia đình hội viên sau khi tổ chức lại sản xuất, tập trung cải tạo vườn bãi, tìm tòi đưa vào thử nghiệm, nhân rộng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã trở thành hộ làm kinh tế giỏi. Điển hình như mô hình chăn nuôi gia cầm của gia đình hội viên Nguyễn Kim Xưa, xóm Cọ 1, xã Phấn Mễ cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm; mô hình sản xuất, chế biến chè của gia đình hội viên Đinh Quốc Văn, xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh cho thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi rắn của gia đình hội viên Bạch Thanh Tùng, xóm Làng Mạ, xã Động Đạt cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm...

Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo cho hội viên một “sân chơi” hữu ích. Qua đó, hội viên nông dân được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệp sản xuất, hỗ trợ giúp nhau hàng nghìn ngày công lao động. Nhất là ở thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, việc tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất tạo sự gắn bó, dần hình thành nên nếp sống đẹp ở các vùng nông thôn Phú Lương.