Trợ lực cho hợp tác xã phát triển

07:44, 21/07/2022

Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực kinh tế tập thể, như: Hỗ trợ máy móc, thiết bị, bao bì, biển hiệu quảng bá sản phẩm; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX), làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Những ngày đầu mới thành lập, HTX chè an toàn Nguyên Việt, ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ) chủ yếu sản xuất thủ công. Ban ngày đi thu hái chè, tối về, các thành viên của HTX thường mất nhiều công sức để sao chè, lấy hương, đóng gói bảo quản… Sau khi được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cùng sự hỗ trợ tích cực từ các cơ chế, chính sách phát triển HTX của tỉnh, HTX đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Bà Uông Thị Lan, Giám đốc HTX chè an toàn Nguyên Việt, chia sẻ: Năm 2021, chúng tôi được Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên hỗ trợ 1 máy sao chè bằng điện. Trước đó, từ nguồn vốn lồng ghép các chương trình, HTX cũng đã được hỗ trợ 1 máy sao chè bằng gas, máy ủ hương. Hiện, HTX đã đầu tư khá đồng bộ các loại máy móc như: Hệ thống tưới tiết kiệm, máy đóng gói, máy hút chân không, máy hàn túi, máy vò, sao bằng điện để chè không bị ám mùi khói... nên chi phí công lao động cũng giảm nhiều so với trước đây. Do áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng sản phẩm chè cũng được nâng lên rõ rệt. Mục tiêu của HTX trong thời gian tới là xây dựng một khu thưởng trà để đón tiếp khách đến tham quan, trải nghiệm, đồng thời, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao để đưa sản phẩm chè ra các thị trường rộng lớn hơn.

Tương tự, thời gian qua, HTX Hương Vân Trà, ở phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên) cũng đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến máy móc thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Hương Vân, Giám đốc HTX: Để cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao, chúng tôi luôn tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, từ chăm sóc, thu hái, đến việc sơ chế, đặc biệt là khâu đóng gói, bảo quản để chè giữ được chất lượng. Được Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên hỗ trợ máy đóng gói hút chân không tự động, các sản phẩm của HTX sẽ bảo quản được lâu hơn và giữ nguyên hương vị thơm ngon khi đến tay người tiêu dùng.

HTX chè an toàn Nguyên Việt, ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ) sử dụng máy sao chè bằng điện, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài 2 đơn vị nói trên, từ năm 2021 đến nay, Chi cục phát triển nông thôn Thái Nguyên còn hỗ trợ 13 HTX trên địa bàn tỉnh thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Trong đó, có 8 HTX được hỗ trợ bao bì, nhãn mác; 3 HTX được hỗ trợ lắp đặt biển tên quảng cáo và 2 HTX được hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử bán hàng trực tuyến.

Ngoài ra, có 31 HTX được Chi cục hỗ trợ máy sao chè bằng gas hoặc bằng điện, máy vò chè mâm gỗ, máy đóng gói hút chân không... Hầu hết các HTX nhận được hỗ trợ đang trực tiếp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: Chè, na, nhãn, bưởi… Qua đó, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí công lao động cho người dân nông thôn.

Ngoài việc hỗ trợ vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên cũng tổ chức các hoạt động: Hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất, phát triển thị trường. Cùng với đó, Chi cục thường xuyên quan tâm, giới thiệu các HTX tham gia triển lãm, hội chợ được tổ chức ở trong, ngoài tỉnh; thực hiện cung cấp thông tin, kết nối, hỗ trợ cho các HTX với các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội hợp tác, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Thái Nguyên hiện có 467 HTX nông nghiệp, tăng 25 HTX so với năm 2021. Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX đang dần được khôi phục và phát triển trong điều kiện bình thường mới. Nhiều HTX đã năng động, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh, như: Sử dụng hệ thống tưới tiêu tự động; sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng để theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; ứng dụng phần mềm kế toán thông qua nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP, sử dụng hóa đơn điện tử; ứng dụng chuyển đổi số để bán hàng thông qua các sàn giao dịch điện tử postmart.vn, voso.vn, thainguyentrade.gov.vn.... Tiêu biểu có thể kể tên một số đơn vị điển hình như:  HTX chè Hảo Đạt, HTX Tâm Trà Thái, HTX chè trung du Tân Cương (TP. Thái Nguyên); HTX chè La Bằng (Đại Từ)…

Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Văn Cương, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên, cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát và lựa chọn HTX đủ điều kiện tham gia thực hiện lồng ghép các dự án ứng dụng công nghệ cao (hỗ trợ máy móc, thiết bị) vào sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm; hỗ trợ bao bì, nhãn mác, biển quảng cáo; giới thiệu HTX tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, Chi cục sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai các chương trình về ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX…