Ngày 14-7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm của toàn ngành Công Thương. Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành ngành Công Thương tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng cao hơn so với kịch bản đề ra và đồng đều trên các ngành, lĩnh vực. Cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 370 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 2.720 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ; lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý trên 17.600 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 115 tỷ đồng… Bộ Công thương cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm bình ổn giá xăng, dầu và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: Báo QĐND)
Đối với Thái Nguyên, 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 7,08%, trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,51%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 389 nghìn tỷ đồng, tăng trên 9% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu tăng 32,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 24,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,2%.... Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào địa bàn, tạo nguồn lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của địa phương.
Để phấn hoàn thành các chỉ tiêu năm 2022 như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7-8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8%, duy trì xuất siêu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8%... Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Từ nay đến cuối năm, ngành công thương sẽ ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả; tập trung tháo gỡ khó khăn, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới; đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu…