Cạn nguồn cho vay: Ngân hàng và doanh nghiệp đều khó     

Thu Hằng 14:24, 30/09/2022

Bước sang năm 2022, đặc biệt là từ quý II, nền kinh tế trong nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Sự phục hồi này đã khiến nhu cầu vốn tín dụng tăng nhanh. Cũng bởi thế, ngay từ cuối quý II, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã chạm ngưỡng giới hạn tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tạm giao, khiến việc vay, cho vay gặp nhiều khó khăn. 

Mặc dù mới được nới room tín dụng trong tháng 9 này nhưng BIDV Thái Nguyên vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu vay của khách hàng.
Mặc dù mới được nới room tín dụng trong tháng 9 này nhưng BIDV Thái Nguyên vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu vay của khách hàng.

Từ nhiều tháng nay, mặc dù doanh nghiệp (DN) tư nhân C.Đ đã hoàn tất thủ tục vay 10 tỷ đồng để mở rộng sản xuất - kinh doanh nhưng đến giờ, vẫn chưa được NH đáp ứng. Nguyên nhân do NH đã cạn nguồn. Theo ông N.V.C, giám đốc DN này, ông cũng đã đặt vấn đề ở một số NH khác nhưng đều rất khó khăn. Có nơi cũng chỉ cho vay được 1-2 tỷ, mà lãi suất lại cao hơn nhiều so với NH mà ông đang vay. Hơn nữa, số tiền này cũng không thể giúp cho DN làm được gì cho “ra tấm, ra món” như kế hoạch đặt ra. Mới đây, một số NH đã được NHNN cho nới room tín dụng, tuy nhiên, do phải phân bổ vốn cho nhiều khách hàng nên nhiều khả năng, sẽ khó đáp ứng được đủ theo nhu cầu của DN. Mặc dù, DN của ông C. đáp ứng tốt yêu cầu về tài sản đảm bảo.

Không chỉ có khách hàng DN, các khách hàng tiêu dùng, hộ kinh doanh cũng  đang “khóc dở, mếu dở” khi rất khó tiếp cận nguồn vốn vay. Ngay cả với khoản đang vay, nhiều người còn được NH thông báo sau khi đến hạn trả, họ chỉ có thể được NH cho vay lại với mức tối đa 80%, thậm chí là 50%, mặc dù hạn mức vẫn còn.

Lại có khách hàng được NH trả lời chưa rõ sau khi trả ra, họ có được cho vay tiếp hay không, hoặc sẽ được vay lại với mức nào, vì còn phụ thuộc vào nguồn vốn của NH vào thời điểm đó… Thực tế này đã và đang khiến không ít khách hàng hoang mang, lo lắng, nhất là ở thời điểm này, nhu cầu về vốn để tích trữ hàng hóa cho dịp cuối năm tăng cao. 

Không chỉ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, lãi suất tiền vay những tháng qua, đặc biệt là những ngày gần đây cũng được các NH liên tục điều chỉnh tăng, do lãi suất đầu vào tăng để giữ chân khách hàng tiền gửi (mức tăng khoảng 2%/năm so với thời điểm đầu năm). Điều này càng khiến người vay thêm khó khăn.

Cùng với đó, lcác gói hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng hầu như không còn. Chính vì thế, mặc dù nền kinh tế ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực trong tăng trưởng nhưng đối với không ít DN, đây vẫn là thời điểm khó khăn. Theo một số lãnh đạo NH: Lượng hàng tồn kho lớn, khiến vòng quay vốn chậm cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu vốn những tháng qua tăng cao.

Được biết, tính đến hết tháng 8, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng 10,85%, trong khi đó, huy động vốn chỉ tăng 5,94%. Trong khi từ quý I/2022 trở về trước khoảng 5 năm, huy động vốn trên địa bàn tỉnh bao giờ cũng có mức tăng cao hơn nhiều so với mức tăng dư nợ.

Không chỉ đối với khách hàng, ngay chính các NH, việc cạn room tín dụng cũng khiến họ gặp phải không ít khó khăn. Theo lãnh đạo một NH có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh: Đối với các NHTM, thu từ tín dụng thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu thu nhập. Đồng thời, tín dụng là hoạt động giúp cho NHTM đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ khác, từ đó gia tăng nguồn thu. Do vậy, khi tín dụng không được tăng trưởng và luân chuyển như trạng thái bình thường, sẽ làm giảm nguồn thu của NH.

Ngoài ra, việc không thể giải ngân kịp thời cho khách hàng, để đáp ứng các nhu cầu thanh toán của DN (trong khi các kênh vốn khác cũng có khó khăn ở thời điểm hiện tại) đang tiềm ẩn nguy cơ quá hạn thanh toán dây chuyền giữa các DN và hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19. Từ đó tiềm ần nguy cơ gia tăng nợ xấu tại các NH.

Trước thực trạng này, nhiều NH đã phải làm việc với khách hàng để xây dựng kế hoạch sử dụng vốn cụ thể, chủ động hơn; tư vấn cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ như UPAS LC (phương thức thanh toán tín dụng chứng từ trả chậm nhưng người bán có thể nhận được tiền thanh toán ngay thông qua việc ứng vốn từ các NH đại lý) hay bảo lãnh, để hạn chế nhu cầu sử dụng vốn mà vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, loại dịch vụ này cũng chỉ áp dụng đối với khách hàng DN tốt, có hợp đồng lớn và khoản vay minh bạch.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, việc dư nợ tín dụng tăng mạnh cũng đang mở ra cho nhiều NH có điều kiện thuận lợi để thực hiện phương án cơ cấu lại dư nợ, lựa chọn được khách hàng theo “khẩu vị” của mình.

Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên: Việc DN mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay là điều đáng mừng và cũng là nhu cầu chính đáng. Song, do cân đối cung cầu tiền tệ và ưu tiên cho vấn đề chống lạm phát, không đánh đổi tăng trưởng tín dụng để có thể xảy ra lạm phát nên theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN phải điều hành việc tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý, chứ không thể theo nhu cầu thực tế. Mới đây, NHNN đã xem xét, nới room tín dụng cho một số NH để đảm bảo cân đối chung của nền kinh tế, với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14% trong năm nay. Tuy nhiên, không phải tất cả NH đều được cấp thêm hạn mức và mức được cấp cũng không đồng đều giữa các NH. Theo chỉ đạo của NHNN, các NHTM cần tập trung cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ đã đưa ra, để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh trực tiếp từ nay đến cuối năm.

Đánh giá cho thấy, việc tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm vẫn sẽ khó khăn đối với hầu hết DN, người dân và hộ kinh doanh. Nắm bắt được điều này, theo các chuyên gia, người vay cần có sự cân nhắc, tính toán phương án kinh doanh, quay vòng vốn sao cho hợp lý, cũng như đưa ra các giải pháp về việc huy động, để hoạt động của DN không bị ảnh hưởng hoặc hạn chế được thấp nhất sự ảnh hưởng từ việc thiếu vốn.