Xóm người Dao Cao Sơn “thay da đổi thịt”

Vũ Công 07:53, 15/09/2022

Từ khoảng 6 năm trở lại đây, người dân xóm Cao Sơn, xã Vũ Chấn (Võ Nhai) không còn độc canh cây lúa, cây ngô mà đã đưa nhiều loại cây trồng thâm canh trên đất lâm nghiệp, nương rẫy bạc mầu. Các loại cây: Bồ đề, keo, thạch đen, quế, phấn... ngày càng bén rễ sâu trên đất Cao Sơn, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nơi đây.

Cây thạch đen đã và đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình ở Cao Sơn.
Cây thạch đen đã và đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình ở Cao Sơn.

Xóm Cao Sơn hiện có 64 hộ dân, với 218 nhân khẩu, trong đó 100% là đồng bào dân tộc Dao. Khoảng 10 năm trước, Cao Sơn được biết đến là xóm vùng cao, xa trung tâm xã nhất, điều kiện giao thông đi lại hạn chế, đời sống kinh tế của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn... 

Anh Triệu Văn Sơn, Trưởng xóm Cao Sơn, nhớ lại: Xóm có diện tích đất tự nhiên trên 200ha, chủ yếu là đồi núi, nương rẫy. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế từ rừng. Nhưng do đi lại khó khăn, khi vận chuyển nông sản, hàng hóa, đồng bào chỉ có thể dùng xe máy, năng suất vận chuyển rất thấp, nên bà con chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tự cung, tự cấp. Không có nguồn thu nhập ổn định, 100% hộ dân trong xóm đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, khi tuyến đường dài gần 6km từ trung tâm xã Vũ Chấn đến xóm và một tuyến đường nối với các xóm khác được Nhà nước đầu tư xây dựng, đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân Cao Sơn. Từ thế độc canh cây lúa, cây ngô, bà con đã đưa những loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao vào trồng, như: Keo, quế, bồ đề, thạch đen, tre phấn... với tổng diện tích gần 100ha. Hiện nay, ngoài cây quế mới trồng theo dự án hỗ trợ của Nhà nước, các loại cây trồng khác đã cho thu hoạch, đem lại thu nhập đáng kể cho đồng bào người Dao trong xóm.

Ông Ma Văn Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Chấn, cho biết: Với đặc điểm 100% người dân Cao Sơn gắn bó với sản xuất nông, lâm nghiệp, thời gian qua, xã đã tập trung triển khai các chính sách của Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng. Ngoài ra, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con đổi mới sản xuất thông qua ứng dụng khoa học kỹ thuật và khai thác thế mạnh đất đồi rừng. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo từng năm.

Chị Triệu Thị Sơn, người dân xóm Cao Sơn, phấn khởi: Gia đình tôi có 2,5ha rừng keo, 6 sào trồng cây thạch đen. Cây thạch đen gia đình vừa thu hoạch xong, thu được hơn 6 tạ, còn cây keo đang thu hoạch vụ đầu tiên. Ngoài ra, nhà tôi cũng mới xuống giống 1.000 cây quế. Dự kiến năm nay, sau khi trừ tất cả chí phí, gia đình sẽ thu được gần 150 triệu đồng từ việc bán các loại cây trồng trên đất đồi rừng. 

Còn anh Đặng Hữu Thăng chia sẻ: Ngoài hơn 5 sào đất trồng ngô, cấy lúa, gia đình tôi còn trồng 20 khóm tre phấn, 5 sào thạch đen. Năm 2021, tôi thu được khoảng 20 triệu đồng từ việc bán thạch đen và tre phấn. Năm nay, nhà tôi sẽ trồng thêm cả bồ đề và keo để nâng cao thu nhập.

Với việc đa dạng hóa cây trồng của người dân xóm Cao Sơn, không chỉ góp phần phủ xanh nhiều diện tích đất hoang hóa, cằn cỗi trước đây mà còn nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất sản xuất. Hiện nay, với 1ha trồng keo, người dân thu lãi từ 60-70 triệu đồng, cây bồ đề đem lại doanh thu gần 100 triệu đồng/ha và thạch đen là 30-35 triệu đồng/ha.

Nhờ đó, đời sống của người dân Cao Sơn dần khấm khá hơn. Hiện nay, xóm đã có 20 hộ thoát nghèo. Theo đánh giá của UBND xã Vũ Chấn, dự kiến đến hết năm 2022, xóm Cao Sơn sẽ có khoảng trên 60% hộ thoát nghèo.