Để chè Phú Đô từ “bám rễ” đến “lên hương”

Phan Trang 16:04, 15/10/2022

Nhiều năm nay, chè đã trở thành cây trồng chủ lực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Phú Đô (Phú Lương). Nhằm nâng cao giá trị, vị thế sản phẩm chè địa phương, xã Phú Đô đã triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích người dân nhân rộng diện tích chè chất lượng cao, phát triển sản xuất chè bền vững theo hướng hàng hóa.

Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm chè của Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Saemaul Phú Nam 1.
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm chè của Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Saemaul Phú Nam 1.

Theo người dân địa phương, cây chè đã "bám rễ" trên đất Phú Đô từ khoảng năm 1962. Thời điểm đầu, người dân chủ yếu chỉ trồng chè trung du để làm thức uống hằng ngày và biếu tặng người thân. Đến khoảng năm 1980, bà con mới bắt đầu chú trọng phát triển kinh tế từ cây chè và mở rộng diện tích lên gần 100ha. Tuy nhiên, do kỹ thuật sản xuất, chế biến còn hạn chế nên năng suất, sản lượng chè chưa cao, giá trị kinh tế còn thấp.

Nhận thấy cây chè phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và có tiềm năng kinh tế cao, từ khoảng năm 2006 trở lại đây, xã Phú Đô xác định đây là cây trồng chủ lực và tập trung các giải pháp để khuyến khích người dân phát triển diện tích trồng chè.

Theo đó, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp; thay thế giống chè trung du già cỗi, năng suất thấp bằng các giống chè cành có năng suất cao; kịp thời đưa các chính sách hỗ trợ cây chè giống tới người dân. Nhờ vậy, đến nay, diện tích chè của toàn xã đã được mở rộng lên tới 675ha, trong đó diện tích chè cành chiếm 90%.

Nhờ cây chè, đời sống của người dân Phú Đô được nâng lên rõ rệt. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt 36 triệu đồng/người/năm (tăng 6,2 triệu đồng so với năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo còn 6,6% (giảm 4,15% so với năm 2018). Từ một xã đặc biệt khó khăn, Phú Đô đã cán đích nông thôn mới vào năm 2018.

Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè, Phú Đô còn chú trọng định hướng, hỗ trợ người dân làm chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới sản xuất hữu cơ. Trung bình hằng năm, xã phối hợp tổ chức 4-6 lớp tập huấn, sơ cấp nghề về áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất chè an toàn.

Không chỉ vậy, địa phương còn chủ động rà soát nhu cầu của người dân để kết nối những chương trình, dự án hỗ trợ phát triển cây chè của tỉnh, huyện. Từ 2018 đến nay, người dân trên địa bàn xã Phú Đô đã được hỗ trợ 62 bộ tôn quay, máy vò inox; 31 hệ thống tưới tiết kiệm.

Thông qua những cách làm trên, diện tích chè VietGAP của xã hiện đạt 190ha (tăng 177ha so với năm 2017); tỷ lệ hộ dân ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến chè đạt trên 50%; tỷ lệ hộ sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng và chăm sóc cây chè đạt trên 80%...

Cùng với các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè, Phú Đô cũng tạo điều kiện cho các làng nghề, hợp tác xã, cơ sở sản xuất mở rộng thị trường. Hiện, toàn xã có 9 làng nghề, 5 tổ liên kết, 3 hợp tác xã  sản xuất chè. Hằng năm, địa phương chủ động kết nối, giới thiệu các làng nghề, hợp tác xã tham gia lễ hội, ngày hội, hội chợ; khuyến khích các cơ sở sản xuất chè đăng ký mã QR, tem nhãn, bao bì sản phẩm…

Các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người dân mở rộng thị trường, thay đổi quy trình sản xuất, chế biến trong thời gian qua đã góp phần nâng cao vị thế thương hiệu chè Phú Đô. Năm 2022, sản lượng chè búp tươi của toàn xã ước đạt 7.300 tấn (tăng 2.500 tấn so với năm 2018), năng suất chè búp tươi ước đạt 110 tạ/ha (tăng 5 tạ so với năm 2018). Giá bán chè búp khô trung bình đạt 200 nghìn đồng/kg (tăng 40 nghìn đồng so với năm 2018).

Trên địa bàn xã còn có một số cơ sở, hộ dân sản xuất được sản phẩm chè chất lượng cao với giá trị đạt từ 800 nghìn đồng đến vài triệu đồng/kg. Xã hiện có Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 được cấp mã số vùng trồng và có 1 sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Ông Phùng Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Đô, cho biết: Để tiếp tục nâng cao vị thế sản phẩm chè trên thị trường, thời gian tới, xã sẽ tập trung khuyến khích, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè; khuyến khích người làm chè đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; đề xuất chính quyền cấp trên cấp nhãn hiệu tập thể chè Phú Đô…


Từ khóa:

chè

thương hiệu

chè an toàn