Kể từ quý II/2022 đến nay, giá thép xây dựng liên tục được các doanh nghiệp (DN) trong nước điều chỉnh giảm. Tuy vậy, thị trường xây dựng chưa có nhiều khởi sắc, khiến cho nhiều DN vẫn khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Nhà máy Cán thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) xuất kho sản phẩm thép đi tiêu thụ. |
Hiện nay, giá thép xây dựng dao động ở mức 13.940 - 15.330 đồng/kg (tùy từng thương hiệu và loại thép), giảm từ 60 - 810 đồng/kg. Tính chung đến nay, giá thép xây dựng đã điều chỉnh giảm tới 16 lần.
Giá thép giảm giúp giảm bớt gánh nặng cho các nhà thầu xây dựng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Tấn Đức - DN chuyên thi công các công trình xây dựng lớn tại TP. Phổ Yên, cho biết: Thép chiếm từ 20-30% chi phí mỗi công trình xây dựng. Do đó, giá thép giảm đồng nghĩa chi phí đầu vào sẽ giảm, lợi nhuận của Công ty tăng lên. Còn theo bà Phạm Thị Thanh Huệ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và XNK 168 Thái Nguyên (TP. Thái Nguyên): Giá thép giảm giúp nhà thầu giảm bớt thiệt hại khi ký các hợp đồng xây dựng theo hình thức đơn giá cố định.
Mặc dù giá thép giảm nhưng thời gian qua thị trường xây dựng được đánh giá là chưa có nhiều khởi sắc. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều DN sản xuất, kinh doanh sắt thép trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Trong 9 tháng qua, sản lượng sắt thép sản xuất trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 1,1 triệu tấn, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 63% kế hoạch năm nay. Đại diện nhiều DN lý giải, nhu cầu sử dụng sắt thép giảm là bởi thị trường bất động sản đang bị chững lại do chính sách siết chặt dòng vốn, cùng với đó là trong mùa mưa, tiến độ thi công nhiều công trình xây dựng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, giá nhiều loại nguyên vật liệu khác và chi phí nhân công xây dựng vẫn ở mức cao cũng làm ảnh hưởng đến nhu cầu xây dựng của người dân.
Bà Lê Thị Na, Giám đốc Công ty TNHH Kim khí Quang Na (TP. Thái Nguyên) phản ánh: Chưa năm nào lượng sắt tồn của Công ty nhiều như năm nay. Giá thép tồn kho khi nhập vào thì ở mức cao, cộng với tình trạng không tiêu thụ được khiến doanh thu của Công ty sụt giảm, thậm chí phải bù lỗ. 9 tháng qua, doanh thu của Công ty chưa đạt 50% kế hoạch năm. Trước khó khăn này, chúng tôi không dám nhập nhiều hàng mà chỉ nhập vào vừa đủ nhu cầu của khách.
Đối với Nhà máy Cán thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên), ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc Nhà máy cho biết: Theo kế hoạch, trong 9 tháng năm nay đơn vị sản xuất 87 nghìn tấn thép. Tuy nhiên, do khó khăn của thị trường tiêu thụ, Nhà máy đã phải điều chỉnh giảm xuống 77,5 nghìn tấn, bằng 89% kế hoạch và giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Về sản lượng thép tiêu thụ chỉ đạt 75,7 nghìn tấn.
Nhận định về thị trường tiêu thụ sản phẩm sắt thép trong những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng sẽ còn nhiều khó khăn do nhu cầu thép xây dựng trong nước chưa tăng. Trước bối cảnh này, các DN sản xuất, kinh doanh sắt thép sẽ tiếp tục phải điều chỉnh công suất sản xuất, cân đối lượng hàng nhập vào ở mức vừa phải theo nhu cầu của thị trường, tránh bị "chôn" vốn...
Song song với sự nỗ lực tự thân, các DN cũng mong muốn tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công để các dự án xây dựng sử dụng ngân sách được đẩy nhanh tiến độ thi công; đẩy mạnh thu hút các dự án ngoài ngân sách đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Cùng với đó, các sở, ban, ngành của tỉnh có giải pháp điều chỉnh giá nguyên vật liệu sát với giá thị trường theo từng tháng. Các ngành: Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm, Thuế... tiếp tục có chính sách hỗ trợ phù hợp về vay vốn sản xuất, kinh doanh, gia hạn thời gian đóng thuế, bảo hiểm xã hội cho các DN.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin