Sau hơn 10 năm quan tâm phát triển, Võ Nhai đã có 13 làng nghề trồng và chế biến chè được công nhận với doanh thu hằng năm ước tính đạt gần 70 tỷ đồng. Các làng nghề chè đã phát huy được tiềm năng, lợi thế trong sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện.
Người dân Làng nghề chè truyền thống xóm Ba Nhất, xã Phú Thượng, thu hoạch chè. |
Từ những năm 40-50 của thế kỷ trước, cây chè đã được đưa về trồng và phát triển tốt ở xóm Nhâu, xã Liên Minh (Võ Nhai). Đến năm 2000, nhận thấy tiềm năng thị trường, bà con trong xóm đã mở rộng diện tích chè.
Đặc biệt, năm 2016, xóm Nhâu được UBND tỉnh công nhận làng nghề chè truyền thống đã tạo động lực để bà con mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Trong giai đoạn 2016-2021, toàn xóm đã có trên 30 hộ thoát nghèo từ trồng chè.
Hiện, xóm Nhâu có gần 170 hộ trồng, chế biến chè với diện tích trên 55ha (tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2000). Sản lượng hằng năm đạt gần 600 tấn chè búp tươi với doanh thu trên 10 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Hữu Xanh, Trưởng xóm kiêm Trưởng Ban Quản lý Làng nghề chè truyền thống xóm Nhâu, cho biết: Được công nhận làng nghề chè truyền thống, bà con được tập huấn kỹ thuật sản xuất, quảng bá sản phẩm, từ đó nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Thời điểm trước khi được công nhận làng nghề, chè khô thành phẩm của bà con chỉ bán được trung bình trên 100 nghìn đồng/kg thì đến nay đã đạt trung bình trên 200 nghìn đồng/kg.
Được biết, từ năm 2011, huyện Võ Nhai đã quan tâm phát triển các làng nghề chè dựa trên nền tảng các xóm có truyền thống hoặc có nhiều diện tích trồng chè. Huyện hỗ trợ các làng nghề kinh phí xây dựng cổng làng, hỗ trợ đào tạo nghề trồng, chế biến chè cho người dân, đồng thời hướng dẫn ban quản lý làng nghề xây dựng hồ sơ trình duyệt.
Năm 2011, huyện Võ Nhai có Làng nghề chè Chiến Thắng, xã Bình Long, được UBND tỉnh ra quyết định công nhận làng nghề. Và đến nay đã có 13 làng nghề chè trên địa bàn huyện được công nhận, trong đó có 5 làng nghề truyền thống.
Tính riêng giai đoạn 2015-2020, huyện Võ Nhai đã hỗ trợ gần 800 triệu đồng hỗ trợ xây dựng các làng nghề xây dựng cổng làng, đào tạo nghề chè và hỗ trợ thiết bị, dây chuyền sản xuất chè.
Ngoài ra, từ các chương trình mục tiêu quốc gia, hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện được hỗ trợ công cụ, nông cụ sản xuất và tập huấn sản xuất chè an toàn.
Được khuyến khích từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thị trường tiêu thụ mở rộng, các làng nghề chè trên địa bàn đã phát huy được tiềm năng, lợi thế trong sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động nông thôn. Đồng thời góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu lao động theo hướng tích cực; bảo tồn và phát huy được các làng nghề, làng nghề truyền thống tại địa phương; nâng cao đời sống của người dân và góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Các làng nghề chè được công nhận hiện có khoảng 2,5 nghìn lao động, trong đó khoảng 1,7 nghìn lao động thường xuyên, trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất chè và có thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Đến nay, toàn huyện có 5 HTX hoạt động trong các làng nghề chè; doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề chè hàng năm ước đạt gần 70 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các làng nghề chè phát triển đã làm tăng trưởng khá lớn diện tích trồng chè trên địa bàn huyện. Tính đến nay, toàn huyện Võ Nhai có trên 1,3 nghìn ha trồng chè (tăng hơn 2 lần so với năm 2010), cho sản lượng khoảng 13 nghìn tấn búp tươi/năm.
Trong đó, có trên 60% diện tích chè được trồng bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao. Cây chè Võ Nhai được trồng và phát triển thành những vùng sản xuất tập trung ở xã: Tràng Xá, Liên Minh, Phú Thượng, xã Bình Long…
Theo nhận định của UBND huyện Võ Nhai, việc phát triển các làng nghề chè đã giúp Võ Nhai tạo được các vùng nguyên liệu dồi dào, tạo lợi thế về giao thương trong và ngoài huyện, đồng thời thuận tiện cho việc quảng bá, xây dựng thương hiệu.
Tuy nhiên, việc phát triển các làng nghề chè trên địa bàn huyện vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả so với tiềm năng bởi nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho các làng nghề còn hạn chế, chưa có các chính sách thu hút nguồn lực. Các làng nghề chưa được hỗ trợ hạ tầng, máy móc tiên tiến; hoạt động liên kết sản xuất trong các làng nghề còn lỏng lẻo, thiếu tính bền vững…
Ông Nông Minh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Võ Nhai, chia sẻ: Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có thêm 2 làng nghề chè được công nhân và đến năm 2030 có thêm 3 làng nghề. Để khắc phục những khó khăn các làng nghề đang gặp phải, trong giai đoạn 2022-2025, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện và ngành Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ một số làng nghề chè phát triển hạ tầng làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh đào tạo lao động làng nghề; tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chè tập thể; hỗ trợ làng nghề xử lý ô nhiễm và xây dựng sản phẩm OCOP…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin