Nông dân Tràng Xá thi đua "hai giỏi"

Phạm Ngọc Chuẩn 07:08, 25/10/2022

Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã làm thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế của người nông dân xã Tràng Xá (Võ Nhai). Hiệu quả của phong trào đã từng bước làm thay đổi diện mạo đất khó ở vùng cao. Và cũng từ phong trào này, nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung được định hình, lan tỏa sâu rộng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân Tràng Xá.

Giai đoạn 2018-2021, xã Tràng Xá (Võ Nhai) có hơn 1.400 lượt gia đình hội viên nông dân đạt tiêu chí nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Khi được hỏi về kinh nghiệm làm giàu, ông Dương Văn Đô, xóm Tân Thành, nói quả quyết: Phải bạo nghĩ, bạo làm, đầu tư có kế hoạch và tập hợp được nhân lực cùng hợp tác mới mong gặt hái được thành công.

Khởi nghiệp năm 2013 bằng việc kinh doanh chất đốt (gas), sau hơn 1 năm, ông Đô mở thêm xưởng chế biến gỗ bóc và trồng rừng. Vốn liếng cơ bản là mang tài sản thế chấp để vay mượn từ ngân hàng và người thân. Sau 5 năm đầu tư, nợ nần trả sạch, toàn bộ vốn liếng làm ăn trị giá bạc tỷ đều thuộc về gia đình. 3 năm gần đây, trừ chi phí đầu tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất và lương tháng cho 12 người lao động (7-10 triệu đồng/người/tháng), ông Đô còn lãi hơn 300 triệu đồng/năm.

Ông Đô chỉ là một trong hơn 1.400 lượt hộ nông dân của xã Tràng Xá đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trong giai đoạn 2018-2021.

Ở Tràng Xá, hầu hết các hộ có kinh tế từ khá trở lên đều có xuất phát điểm khó khăn. Ông Vũ Đức Hoàn, xóm Thắng Lợi là một minh chứng. Nhìn cơ ngơi bạc tỷ của mình, ông Hoàn tự hào vì đã thoát cảnh nghèo khó, làm nên tất cả bằng bàn tay lao động. Ông kể: Tôi khởi nghiệp từ chăn nuôi lợn, rồi kinh doanh vật liệu xây dựng, nay làm xưởng chế biến gỗ. Từ 5 năm gần đây, tôi đạt thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tràng Xá, phấn chấn: Ở địa phương, có nhiều lao động bỏ đất tìm đến các khu công nghiệp làm công nhân, hoặc về thành phố làm thuê. Nhưng cũng có nhiều người ở lại và hiện thực hóa được giấc mơ làm giàu trên chính quê hương. Hiện, làm giàu đang trở thành một phong trào thi đua rộng khắp trong toàn Hội Nông dân xã. Theo đó, những tập quán canh tác lạc hậu, tự cấp, tự túc trong nông dân đã được xóa bỏ. Bà con tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; giải pháp sử dụng vốn đầu tư và đất canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Vùng đất Tràng Xá thay đổi cũng bởi nhờ những nông dân có tư duy tiến bộ trong phát triển kinh tế như vậy.

Hội Nông dân Tràng Xá hiện có 18 chi hội, với khoảng 1.500 hội viên, chiếm gần 84% số hộ nông nghiệp của xã. Để mở rộng tầm nhìn cho nông dân, hằng năm, Hội lựa chọn những nông dân tiêu biểu, dám nghĩ, dám làm đưa đi tham quan các mô hình kinh tế điển hình trong, ngoài địa phương. Qua thực tế mô hình, bà con tự tư duy, áp dụng phù hợp với điều kiện đất đai, khả năng về sức lao động và tiềm lực vốn đầu tư của mình.

“Mưa lâu thấm dần”, trên vùng đất khó Tràng Xá đã có những mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả cao, đạt thu nhập từ 160 triệu đồng trở lên/mô hình. Điển hình như mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông Chu Thanh Hải, xóm Hợp Nhất; mô hình chăn nuôi trâu sinh sản, ngựa bạch của gia đình ông Hoàng Văn Sơn, xóm Đồng Tác; mô hình trồng rừng, trồng lúa, ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất gạch silicat, dịch vụ vận tải của gia đình ông Hoàng Văn Cường, xóm Thắng Lợi; mô hình trồng bưởi của gia đình ông Lương Văn Nghĩa, xóm Lò Gạch; mô hình trồng chè của gia đình ông Hoàng Văn Thế, xóm Thành Tiến…

Hiện, ở Tràng Xá đã có một số hộ đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới, hệ thống giàn tưới sản xuất rau, củ, quả theo quy trình an toàn.

Từ phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, bà con có điều kiện gần gũi, cùng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tích cực liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 1.000 lao động địa phương; hơn 2.000 lượt hộ được giúp đỡ về vốn; giống cây trồng, vật nuôi và kinh nghiệm sản xuất. Toàn xã có hơn 50 gia đình hội viên nông dân được giúp đỡ thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá giả trong 3 năm gần đây.