Nhờ thay đổi tư duy, cách làm, mạnh dạn đầu tư, không ngại thử nghiệm những cái mới, người dân xã Phú Lạc (Đại Từ) đã thu được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế.
Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc đã được anh Nguyễn Văn Bách, xóm Trại Mới, thực hiện 2 vụ và khẳng định được hiệu quả kinh tế. |
Phú Lạc là xã thuần nông, nằm cách xa trung tâm huyện Đại Từ. Xã có gần 2.000 hộ, với trên 6.600 nhân khẩu, chia làm 20 xóm, gồm 5 dân tộc cùng chung sống (Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Giáy). Do điều kiện kinh tế khó khăn, đời sống người dân còn nghèo, nên xã Phú Lạc luôn xác định nhiệm vụ đầu tiên là tuyên truyền, vận động bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Từ điều kiện thực tế của địa phương, xác định chè là cây trồng mũi nhọn, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động bà con đầu tư phát triển cây chè cả về quy mô và diện tích. Trong đó, ưu tiên chuyển đổi cơ cấu giống; thâm canh cây chè cho năng suất, sản lượng cao; đồng thời trồng mới, thay thế những diện tích chè già cỗi bằng các giống mới có giá trị kinh tế, như: LDP1, Kim Tuyên, TRI 777... Đặc biệt là mở rộng diện tích các vùng sản xuất chè an toàn, xây dựng mô hình chè VietGAP...
Hiện, toàn xã Phú Lạc có gần 400ha chè đang cho thu hoạch, trong đó, gần 300ha chè giống mới. Xã đã bước đầu hình thành vùng sản xuất chè tập trung theo quy hoạch.
Cùng với sản xuất, khâu chế biến đã được đổi mới công nghệ, các hộ tích cực lắp đặt máy móc, dây chuyền chế biến thay thế phương pháp làm chè thủ công trước đây. Đến nay, xã đã thành lập được 3 hợp tác xã chè, gồm: Đại Hà, Phương Đông và Sơn Thành. Đây là các hợp tác xã chuyên sản xuất, chế biến chè an toàn và đang dần tạo dựng được thương hiệu trên thị trường. Năng suất chè của xã Phú Lạc hiện đạt khoảng 100 tạ/ha/năm, sản lượng đạt trên 3.400 tấn chè búp tươi/năm.
Cùng với nâng cao hiệu quả sản xuất cây chè, Phú Lạc có trên 300ha đất cấy lúa và trên 30ha chuyên trồng các loại cây màu. Để phát triển kinh tế, thời gian qua, bà con trong xã đã tích cực đưa vào trồng các giống mới, có năng suất cao hơn.
Đồng chí Trương Thị Kim Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lạc, cho hay: Đơn cử như trên toàn bộ cánh đồng Đồng Vẽn, xóm Đoàn Kết, bà con đang cấy thử nghiệm giống lúa lai Thụy Hương 308, với tổng diện tích 3ha, có 22 hộ dân tham gia. Đây là vụ thứ hai giống lúa này được đưa vào gieo trồng trên địa bàn xã. Qua đánh giá từ vụ đầu tiên, lúa lai Thụy Hương 308 sai hạt, năng suất đạt trên 7 tấn/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 8-9 tấn/ha, cao hơn các giống lúa truyền thống. Việc đưa giống lúa mới vào sản xuất giúp năng suất bình quân lúa của xã tăng lên, đạt 56-60 tạ/ha, ở cả hai vụ.
Không chỉ tập trung sản xuất các loại cây trồng truyền thống, người dân Phú Lạc đã mạnh dạn đưa các loại cây trồng mới vào trồng, bước đầu khẳng định được hiệu quả. Như anh Nguyễn Văn Bách, xóm Trại Mới, đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, trồng chè kém hiệu quả sang trồng dưa lê Hàn Quốc. Ngay vụ đầu tiên, từ 2.000 gốc dưa lê Hàn Quốc, anh Bách thu được trên 85 triệu đồng. Hiện nay, anh Bách đang tiếp tục đầu tư 5.000 gốc cho vụ sau.
Ngoài mô hình của anh Bách, hiện nay, xã Phú Lạc còn 3 mô hình trồng dưa lê, dưa chuột, dưa lưới. Địa phương đang là địa chỉ để bà con trong huyện đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn quả sạch cho hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài phát triển kinh tế nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền xã Phú Lạc cũng vận động nhân dân thực hiện đa dạng hóa các ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Hiện nay, nhiều ngành nghề mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình, như: may, thủ công mỹ nghệ, cơ khí, sản xuất, chế biến tiêu thụ chè, chế biến lâm sản... Toàn xã hiện có trên 60 cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Với việc xác định hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, không ngại thay đổi thói quen, cách làm, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở Phú Lạc. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn dưới 9%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/người/năm (tăng trên 10 triệu đồng so với năm 2012).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin