“Tấm vé thông hành" để chè Đại Từ vươn xa

Hải Hằng 08:19, 03/11/2022

Lâu nay, chè đã trở thành cây trồng mũi nhọn, cho giá trị kinh tế cao ở huyện Đại Từ. Vì vậy, những năm qua, Đại Từ luôn dành sự quan tâm đặc biệt để phát triển cây chè cả về diện tích và chất lượng, đưa khoa học kỹ thuật vào thâm canh. Thời gian gần đây, huyện còn phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh xây dựng, quản lý các vùng trồng chè an toàn gắn với cấp mã số vùng trồng, nhằm giúp sản phẩm chè Đại Từ tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước.

Vùng trồng chè VietGAP xã Quân Chu (Đại Từ) đã được cấp mã số để truy xuất nguồn gốc.

Chúng tôi đến xã Phú Thịnh đúng dịp Hợp tác xã (HTX) chè Hải Yến, xóm Làng Thượng, được cấp mã số vùng trồng. Bà Hà Thị Yến, Giám đốc HTX vui vẻ: Phú Thịnh là một trong 5 xã thuộc vùng quy hoạch chè xanh đặc sản của huyện và HTX chè Hải Yến được địa phương đánh giá là mô hình tiêu biểu trong liên kết chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè an toàn. HTX được thành lập từ năm 2018 với 25 hộ dân tham gia. Từ khi thành lập, các xã viên đã thực hiện nghiêm quy trình trồng, chăm sóc, thu hái chè theo quy trình VietGAP. Đến nay, HTX có 10ha chè được sản xuất theo quy trình VietGAP, cho sản lượng 120 tấn búp tươi/năm, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Hiện, HTX chè Hải Yến có 2 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao là trà xanh Bến Xuân và trà tôm nõn Hải Yến. Các sản phẩm của HTX đang được bán ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. "Khi thành lập HTX, chúng tôi đặt ra mục tiêu liên kết với nhau, xây dựng thương hiệu, để sản phẩm chè của bà con có thể tham gia xuất khẩu ra nước ngoài, mở rộng phạm vi tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Do đó, việc được cấp mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết để chúng tôi thực hiện mục tiêu đó." - Bà Hà Thị Yến nói thêm.

Đóng gói sản phẩm tại HTX chè Tuất Thoi, xóm Chính Phú 2, xã Phú Xuyên.

Tương tự, HTX chè Quang Minh (ở xã Phú Cường) cũng đã được khảo sát và lựa chọn triển khai hệ thống thông tin mã số vùng trồng. Ông Nguyễn Khắc Việt, thành viên HTX, chia sẻ: Chúng tôi đã được tuyên truyền, tập huấn về xây dựng mã số vùng trồng. Theo đó, bà con tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn, quy định về trồng, chăm sóc, thu hái, đặc biệt quá trình chăm sóc phải thay thế hoàn toàn thuốc trừ sâu hóa học bằng thuốc sinh học, sử dụng phân bón hữu cơ thay cho các loại phân vô cơ.

Đại Từ là địa phương có diện tích trồng chè lớn nhất tỉnh, với trên 6.400ha, trong đó, diện tích chè giống mới đạt trên 5.100ha (chiếm gần 80%), sản lượng chè búp tươi đạt trên 70 tấn/năm. Theo thống kê, toàn huyện có khoảng 70 tổ hợp tác trồng, chế biến chè, trên 30 hợp tác xã. Hiện nay, ngoài 2 HTX trên, nhiều vùng trồng chè trên địa bàn huyện Đại Từ đã và đang triển khai xây dựng mã số vùng trồng.

Mã vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn.

Theo đó, để được cấp mã vùng trồng, trước tiên các vùng trồng chè phải đạt diện tích từ 5ha trở lên, số hộ tham gia không hạn chế, các hộ nông dân tham gia phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật do chi cục bảo vệ thực vật hướng dẫn về: Ghi chép sổ sách, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các nước nhập khẩu.

Đến nay, toàn huyện Đại Từ có 7 vùng trồng chè được cấp mã số vùng trồng, gồm: HTX chè La Bằng, xã La Bằng; HTX chè Nhật Thức, xã Phục Linh; HTX chè Hải Yến, xã Phú Thịnh; HTX chè Quang Minh, xã Phú Cường; HTX chè Tuất Thoi, xã Phú Xuyên; HTX nông nghiệp Hoàng Hải, xã Tiên Hội; HTX chè Cầu Đá, xã Hoàng Nông.

Ngoài ra, toàn huyện có 13 doanh nghiệp và 6 HTX đã đăng ký mã vạch, tem truy nguồn gốc đối với sản phẩm chè; 4 doanh nghiệp và 11 HTX có logo, bao bì nhãn mác (gồm bộ hộp, túi đựng sản phẩm) được thiết kế riêng cho đơn vị; 1 doanh nghiệp và 5 HTX xây dựng được website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, cho biết: Những năm gần đây, nhờ đưa các loại giống chè cành vào thâm canh, cùng với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên năng suất, sản lượng chè tăng cao. Hiện thu nhập của người trồng chè ở Đại Từ đạt khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Xác định đây sẽ là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con, cùng với nâng cao chất lượng, nông dân Đại Từ còn chú trọng xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho các sản phẩm của mình. 

Cũng theo ông Quang, việc xây dựng mã số vùng chè tuy mới, nhưng đây là bước quan trọng để nâng tầm thương hiệu chè Đại Từ. Vì vậy, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT lựa chọn những vùng chè có điều kiện canh tác, đồng thời tuyên truyền người trồng chè thực hiện xây dựng mã số vùng chè và quản lý sản xuất, chất lượng sản phẩm phục vụ việc truy xuất nguồn gốc.

Mã số vũng trồng được xem như "tấm vé thông hành" để các sản phẩm chè Đại Từ có thể tiêu thụ ở các thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài với giá trị cao, hướng đến mục tiêu chinh phục những thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, Canada… Đồng thời là điều kiện đưa sản phẩm chè Đại Từ lên các sàn thương mại điện tử, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp số.

Mặt khác, việc xây dựng mã số vùng trồng cũng nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm quy trình sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

"Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm."

Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ


Từ khóa:

chè

mã số vùng trồng