Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa cấp Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận “Chè Võ Nhai”. Đây là tin vui đối với người dân trồng chè của địa phương này. Bởi lẽ, khi sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ sẽ góp phần nâng cao uy tín, chất lượng, từ đó giúp sản phẩm vươn xa hơn ra thị trường.
Người dân xã Tràng Xá thu hái chè. |
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Võ Nhai đang có trên 1.300ha chè, sản lượng đạt trên 13.700 tấn mỗi năm. Năm 2021, địa phương đã có 4 sản phẩm Trà đạt sản phẩm OCOP 3 sao, đó là: trà móc câu Đại Tiến, trà Đại Tiến, trà móc câu Liên Minh và trà móc câu Tràng Xá.
Tuy sản xuất được sản lượng lớn hàng năm, một số sản phẩm Trà đã gây được tiếng vang nhưng do chưa được bảo hộ nên các cá nhân, đơn vị sản xuất, kinh doanh chè gặp không ít khó khăn trong quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cũng như danh tiếng, uy tín của sản phẩm chè địa phương, thời gian qua UBND huyện Võ Nhai đã làm đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Chè Võ Nhai”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ UBND huyện Võ Nhai triển khai thực hiện các nội dung, hồ sơ như: Trình UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép sử dụng tên địa danh “Võ Nhai” để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, Xây dựng bản đồ quy hoạch vùng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận trình UBND tỉnh phê duyệt, thiết kế mẫu nhãn hiệu, tổ chức hội thảo xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và các hồ sơ có liên quan đến việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Chè Võ Nhai”… đến nay Nhãn hiệu chứng nhận “Chè Võ Nhai” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Có thể thấy, đây không chỉ là tin vui đối với người dân trồng và chế biến chè trên địa bàn huyện Võ Nhai mà còn là tin vui với Ngành chè của tỉnh.
Chị Hoàng Thị Hải, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn Liên Minh, xã Liên Minh chia sẻ: Là đơn vị sản xuất chè lớn, mỗi ngày chúng tôi sản xuất bình quân trên 4 tạ chè khô. Mặc dù luôn nỗ lực sản xuất ra thương hiệu chè đảm bảo uy tín, chất lượng, nhưng do chưa được bảo hộ nhãn hiệu nên việc quảng bá sản phẩm gặp khó khăn, dẫn đến việc tiêu thụ hạn chế, chủ yếu là khách truyền thống, nên khi biết Chè Võ Nhai được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận chúng tôi rất phấn khởi.
Chị Hoàng Thị Nhài, xóm Thành Tiến, xã Tràng Xá một thành viên của HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá cũng bày tỏ: Gia đình tôi trồng chè đã được gần 20 năm nay. Trải qua bao thăng trầm cùng cây chè, chúng tôi luôn ý thức rằng muốn sản xuất chè mang tính chất hàng hóa thì sản phẩm tiêu thụ ra thị trường phải có thương hiệu. Vì vậy, cùng với việc chủ động chuyển đổi, cải tạo đồi chè, chúng tôi đang thực hiện sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Cái khó thời gian qua sản phẩm chè chưa được bảo hộ thương hiệu nên chúng tôi rất khó khăn trong việc quảng bá sản phẩm, nay chè Võ Nhai được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ, chúng tôi rất vui.
Ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai khẳng định thêm: Chè Võ Nhai được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận là một bước tiến mới, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của cây chè trên địa bàn huyện. Để giữ vững thương hiệu chè, thời gian tới địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, địa phương cũng sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển cây chè trên địa bàn huyện như: Thực hiện hỗ trợ Dự án phát triển cây chè thuộc Đề án phát triển nông, lâm nghiệp huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; các dự án phát triển chè theo chuỗi liên kết thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025... trong đó tập trung hỗ trợ tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ điểm tưới tiết kiệm, máy móc, phân bón hữu cơ vi sinh, chứng nhận VietGAP, bao bì, nhãn mác nhằm nâng cao sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm chè.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin