Cựu chiến binh với phong trào làm kinh tế giỏi

Phạm Ngọc Chuẩn 08:10, 05/12/2022

Từ nhiều năm nay, “Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã trở thành một phong trào lớn trong Hội CCB các cấp trên địa bàn tỉnh. Phong trào đã đi vào cuộc sống, lan tỏa rộng khắp, trở thành động lực thôi thúc các CCB vượt lên khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

CCB Trần Công Sơn, xóm Quang Trung, xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên (thứ 2 từ trái vào) chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gà trang trại với cán bộ, hội viên CCB xã.
CCB Trần Công Sơn, xóm Quang Trung (đứng thứ 2 từ trái vào), chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gà trang trại với cán bộ, hội viên CCB xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên .

Sau những năm tháng tham gia phục vụ trong Quân đội, trở về địa phương, CCB Trần Công Sơn, xóm Quang Trung, xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên) bắt tay vào làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Với tổng diện tích đất hơn 30.000m2, ông cải tạo, thiết kế vườn trồng chè, trồng cây ăn quả, trồng rừng và làm chuồng chăn nuôi gà trang trại. Từ 3 năm gần đây, gia đình ông đạt thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

Cùng ở TP. Thái Nguyên, các CCB Nguyễn Đức Cổn, ở tổ 3, phường Phan Đình Phùng; Nguyễn Minh Nhung, tổ 8, phường Trung Thành và Nguyễn Thành Phương, tổ 2, phường Gia Sàng là những giám đốc năng động trong thời đổi mới, hội nhập. Ông Nguyễn Trung, Trưởng ban Kinh tế (Hội CCB tỉnh), cho biết: Theo số liệu tổng hợp, Hội CCB tỉnh hiện có gần 190 doanh nghiệp nhỏ và vừa; gần 100 hợp tác xã và tổ hợp tác; gần 250 trang trại, hơn 700 gia trại do hội viên CCB làm chủ. Các cơ sở này tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 20.000 lao động địa phương. Đồng thời đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng mỗi năm.

Trên thương trường, các doanh nhân CCB thể hiện rõ bản lĩnh, không cam chịu bị tụt lại phía sau; luôn sáng tạo, linh hoạt, tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động của doanh nghiệp; sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ hỗ trợ cho người nghèo, trong đó có gia đình CCB. Trong lao động, sản xuất, họ cũng là những người bền chí kiên gan, không ngại khó, ngại khổ, tích cực học tập kiến thức mới để áp dụng vào phát triển kinh tế. Không chỉ vậy, các CCB còn tích cực đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế cũng nhưng đời sống sinh hoạt.

CCB Ma Phúc Ngay, xóm Pài Trận, xã Thanh Định (Định Hóa), chia sẻ: Gia đình tôi thoát nghèo là nhờ có sự hỗ trợ của đồng chí, đồng đội.

Còn CCB Nguyễn Văn Rượng xóm Bản Bắc 1, xã Điềm Mặc (Định Hóa), bộc bạch: Gia đình tôi có 3 người, thì tôi và con gái đang hưởng chế độ trợ cấp nạn nhân chất độc da cam. Vì đau ốm quanh năm nên cảnh nhà túng bấn. Lúc ngôi nhà ở sắp sập xuống thì đồng chí, đồng đội đến giúp đỡ, hỗ trợ tôi làm lại nhà ở, rồi lại giúp chỉ cách làm ăn để cảnh nhà bớt khó.

Thời gian qua, để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội CCB các cấp trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các ngân hàng làm thủ tục cho hàng nghìn lượt gia đình CCB vay vốn phát triển sản xuất, với tổng dư nợ hiện đạt hơn 1.600 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều gia đình CCB đã có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Hiện, toàn tỉnh có hơn 75.000 hội viên CCB, trong đó, gần 17.000 CCB là đảng viên. 100% xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội hoạt động. Đến nay, trên toàn tỉnh có 269 câu lạc bộ cựu quân nhân, trong đó, 40 câu lạc bộ cấp xã; 229 câu lạc bộ thôn, xóm, tổ dân phố, với tổng số cựu quân nhân được tập hợp là hơn 9.000 người. Cùng với đó là 426 ban liên lạc truyền thống, với hơn 14.000 cựu quân nhân tham gia. Các hình thức tập hợp CCB và cựu quân nhân đều hướng đến mục đích chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ hội viên vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống và đóng góp tích cực cho xã hội.