Làm giàu nhờ chăn nuôi gia cầm

Phạm Ngọc Chuẩn 07:52, 21/12/2022

Nhờ chăn nuôi gia cầm hiệu quả, gia đình anh Nguyễn Văn Thìn, xóm Làng Trò, xã Phấn Mễ (Phú Lương) không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ làm kinh tế giỏi của địa phương. Anh Thìn chia sẻ: Ở quê có nhiều lao động tìm đến các khu công nghiệp làm công nhân, hoặc về thành phố làm thuê, nhưng tôi quyết định ở lại lập nghiệp bằng việc chăn nuôi gia cầm. 

Từ chăn nuôi gia cầm, năm 2022 gia đình anh Nguyễn Văn Thìn đạt thu nhập hơn 800 triệu đồng đã trừ chi phí đầu tư.
Từ chăn nuôi gia cầm, năm 2022, gia đình anh Nguyễn Văn Thìn có thu nhập hơn 800 triệu đồng (đã trừ chi phí đầu tư).

Về xã Phấn Mễ, hỏi đường đến nhà anh Nguyễn Văn Thìn, xóm Làng Trò, chúng tôi được nhiều bà con nói vui: Phải hỏi là Thìn “gà” thì trong vùng ai cũng biết.

Mới 36 tuổi, anh Thìn đã sở hữu cơ ngơi bạc tỷ. Từ nhiều năm nay gia đình anh có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tất cả có được nhờ chăn nuôi gà.

Qua mấy đoạn đường loắc ngoắc cua, dốc, chúng tôi đã đến trước cửa nhà Thìn “gà”. Cửa nhà khép khờ, chỉ có tiếng gà đạp mái kêu loác quác từ phía sân sau vọng lại. Anh Thìn đang bận chăm nom cho đàn gia cầm với 10.000 con gà và khoảng 5.000 con vịt cạn. Thấy chúng tôi, anh nói như thanh minh: Có hẹn với các bác, nhưng tôi vừa nhập về “mớ vịt” nên tranh thủ tiêm phòng cho chúng.

Vừa nói, anh vừa cầm xi lanh thành thạo tiêm phòng cho từng con gia cầm. Tay vẫn thoăn thoắt, anh Thìn kể: Trước đây, các bước này tôi phải thuê người làm. Nhưng từ sau tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh trên đàn vật nuôi, tôi đã tự làm được. Hằng ngày, tôi cho gà, vịt ăn, uống và biết mình cần phải bổ sung thêm cho chúng lượng thức ăn gì để có sức kháng bệnh, lớn nhanh.

Câu chuyện đưa chúng tôi ngược lại dòng thời gian. Đó là những ngày tháng gia đình anh sống cảnh nghèo khó, quanh năm tần tảo với mảnh ruộng, đám vườn mà vẫn “no bữa trước, hụt bữa sau”. Rồi do cần kiệm như bao nông dân trong vùng, anh nuôi thêm con gà, con lợn, tận dụng thức ăn thừa để chăn nuôi.

Nhiều đêm không ngủ, anh Thìn trăn trở với quyết tâm tìm ra cho mình giải pháp phát triển kinh tế gia đình phù hợp. Và để thực hiện “giấc mơ làm giàu”, anh đã đến một số trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả trong vùng để tham quan, học tập kinh nghiệm.

Từ đó, anh nhận thấy việc đầu tư vào chăn nuôi gia cầm là phù hợp với điều kinh kinh tế và quỹ đất đai sẵn có của gia đình. Anh Thìn cho biết: Năm 2016, tôi vay mượn thêm tiền của người thân, cùng tiền tích lũy của gia đình để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà. Ban đầu, tôi nuôi 2.000 con gà giống lai chọi và gà ta theo phương pháp bán chăn thả. Gà lớn nhanh, “cơ bắp săn chắc”, nên chỉ 4 tháng sau tôi đã có gà xuất bán. Thương lái trong vùng đến tận nhà bao tiêu toàn bộ sản phẩm và hẹn đặt mua tiếp các lứa gà sau đó.

Thành công đến ngay ở lứa gà đầu tiên đã khích lệ anh Thìn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Anh tự tin, thấy công việc chăn nuôi gia cầm phù hợp với sở trường của mình. Anh hơn nhiều nông dân khác trong vùng là biết kết hợp kinh nghiệm chăn nuôi truyền thống với khoa học kỹ thuật chăn nuôi hiện đại, nên luôn cầm chắc phần thắng. Anh cũng nhận thấy việc chăn nuôi gia cầm cho đồng vốn quay vòng nhanh, có thể nhìn thấy tiền lãi từng ngày. Bởi vậy, sau mỗi lứa gia cầm được xuất bán, anh đầu tư lại một phần cho mở rộng quy mô chăn nuôi.

Từ 1.000m2 chuồng trại (năm 2016), anh Thìn đã mở rộng lên thành 5.000m2 (năm 2000); từ 2.000 con gia cầm/lứa (năm 2016) lên 10.000 con gà, gần 5.000 con vịt/lứa (năm 2022); sản lượng gia cầm cũng tăng từ 80 tấn (năm 2020) lên 90 tấn (năm 2021). Theo đó, lợi nhuận hằng năm tăng từ 300  triệu đồng lên 700 triệu đồng (năm 2021). Năm 2022, sản lượng gia cầm của gia đình anh Thìn đạt hơn 100 tấn, lợi nhuận thu được hơn 800 triệu đồng.

Anh Thìn cho hay: Chăn nuôi trang trại đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi. Chỉ tiếc là mất một thời gian dài tôi cùng các thành viên trong gia đình luôn băn khoăn, tự ti, sợ nuôi nhiều... không ăn hết. Bây giờ, tôi đã vượt được qua chính mình, tư duy chăn nuôi với số lượng lớn là để đàn vật mình nuôi trở thành hàng hóa. Tôi mong trong vùng có nhiều gia đình cùng tham gia chăn nuôi trang trại, từ đó, tạo cơ sở hình thành vùng hàng hóa tập trung, hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gà Làng Trò.


Từ khóa:

chăn nuôi

gia cầm

thoát nghèo