Giai đoạn 2019-2022, Hội Nông dân TP. Sông Công có trên 13.000 lượt gia đình hội viên (HV) đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Bình xét thi đua có gần 7.500 HV đạt danh hiệu. Ông Trần Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố tâm đắc: Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đang ngày một lan tỏa sâu rộng trong toàn Hội.
Từ mô hình chăn nuôi gà trang trại, ông Hồ Công Kỷ (bên trái), xóm Xuân Đãng, xã Bình Sơn (TP. Sông Công), thu lãi hơn 400 triệu đồng/năm. |
Về TP. Sông Công tìm hiểu phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, chúng tôi được nhiều HV cho biết: Thời đại 4.0, để vươn lên, hội nhập, ngoài việc liên kết sản xuất tập trung, tạo vùng hàng hóa lớn, nông dân chúng tôi biết chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, coi trọng chất lượng, tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Quy mô sản xuất của hầu hết HV được mở rộng, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Nhiều mô hình kinh tế của HV đạt thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên/năm; đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho từ 4 đến 20 lao động, với mức lương từ 5 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Điển hình như mô hình kinh tế tổng hợp khép kín, đại lý thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chăn nuôi gà thương phẩm của HV Vũ Thị Tuyết Nhung, tổ dân phố Pha (Lương Sơn); mô hình trồng hoa, cây cảnh và kinh doanh dịch vụ tổng hợp của HV Trần Tuấn Anh, xóm Tân Tiến (Bình Sơn); mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt của HV Ngô Ngọc Tú, tổ dân phố Sơn Tía (Châu Sơn). Mô hình chăn gà của HV Hồ Công Kỷ, xóm Xuân Đãng (Bình Sơn)...
Để kinh tế của gia đình HV phát triển bền vững, các cấp hội linh hoạt tổ chức nhiều hoạt động, vận động HV tham gia nhóm sở thích sản xuất, kinh doanh. Qua sinh hoạt tổ, nhóm HV chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về vốn đầu tư và cùng tìm thị trường bao tiêu sản phẩm.
Từ năm 2019 đến nay, các cấp hội đã thành lập được 3 hợp tác xã; 5 tổ hợp tác, 2 chi hội nghề nghiệp và 5 tổ hội nghề nghiệp. Trong thực hiện nhiệm vụ, Hội chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn để tổ chức gần 50 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất giúp HV nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng sản xuất, với hơn 7.500 lượt HV tham gia.
Hội đã xây dựng thành công 15 mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước nhân ra diện rộng.
Cùng thời gian, Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã giúp cho hơn 100 HV tham gia 10 dự án phát triển kinh tế với tống vốn hơn 4,2 tỷ đồng. Dư nợ ủy thác vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 53 tỷ đồng cho gần 1.000 lượt HV vay thông qua 45 tổ tiết kiệm và tổ vay vốn.
Thông qua 16 tổ liên kết, Hội tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hơn 200 HV vay vốn với dư nợ hơn 30 tỷ đồng. Đặc biệt, đã có 215 HV được tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Sau học nghề có 150 HV có việc làm mới, số còn lại gắn bó với nghề cũ nhưng có năng suất lao động và thu nhập cao hơn so với trước.
Tổng kết Phong trào giai đoạn 2019-2022, các HV làm kinh tế giỏi đã tạo việc làm mang lại thu nhập ổn định cho gần 3.000 lao động. Từ cơ sở, các hội viên đã cho nhau vay hơn 1 tỷ đồng không lấy lãi; giúp gia đình HV nghèo, neo đơn, thiếu sức lao động gần 3.000 ngày công, kết quả có 179 gia đình HV thoát nghèo.
Từ triển khai, thực hiện Phong trào sát thực tế cơ sở, nên tổ chức Hội ngày càng thu hút được đông đảo bà con nông dân tham gia sinh hoạt. Đến nay, toàn Hội có 133 chi hội thuộc 10 cơ sở hội, với tổng số gần 7.700 HV, trong đó có 557 HV được kết nạp mới trong 3 năm gần đây.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin