Thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025” (Chương trình OCOP), huyện Phú Lương đã lựa chọn những nông sản có lợi thế để phát triển thành sản phẩm OCOP. Qua đó, từng bước tạo dựng thương hiệu, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho người dân.
Là địa phương có thế mạnh về cây chè, với tổng diện tích gần 4.200ha, huyện Phú Lương lựa chọn phát triển nhiều sản phẩm OCOP chế biến từ chè. |
Sau 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, Phú Lương có 11 sản phẩm tiềm năng và thế mạnh của huyện như: trà, mật ong, gạo nếp vải, bánh chưng được chứng nhận OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 7 sản phẩm 3 sao.
Có được những “trái ngọt” OCOP này là nhờ địa phương đã quan tâm chỉ đạo, triển khai Chương trình đến các xã, thị trấn và chủ thể sản xuất, với nhiều giải pháp thiết thực, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Cụ thể, huyện Phú Lương giao Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì tư vấn, hướng dẫn các chủ thể từng bước hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm để tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP. Huyện cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và các hộ gia đình mở rộng sản xuất, tăng cường liên kết nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; nhân rộng những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại địa phương để có thêm nhiều sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Là địa phương có thế mạnh về cây chè, với tổng diện tích gần 4.200ha, thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/ha/năm, Phú Lương đã lựa chọn phát triển các sản phẩm từ chè tham gia Chương trình OCOP. 3 năm qua, huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP. Đồng thời quan tâm phát triển các làng nghề, tổ hợp tác, HTX sản xuất, chế biến chè.
Toàn huyện Phú Lương hiện có 43 làng nghề, làng nghề truyền thống, 17 HTX, 26 tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè. Địa phương có 8 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP. |
Tính riêng giai đoạn 2021-2022, nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho cây chè và các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh trên địa bàn huyện Phú Lương là hơn 12 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ phát triển cây chè là trên 7 tỷ đồng). Với nhiều giải pháp hiệu quả, đến nay, trên địa bàn huyện có 8 sản phẩm chè được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao.
HTX nông sản nếp vải Ôn Lương chú trọng đầu tư mẫu mã, bao bì và tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm OCOP gạo nếp vải nhằm đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách hàng. |
Cùng với chè, các sản phẩm thế mạnh của địa phương như: gạo nếp vải, mật ong Ôn Lương, bánh chưng Bờ Đậu cũng được quan tâm hỗ trợ và đạt tiêu chuẩn OCOP. Sau khi được công nhận, các chủ thể OCOP đã tập trung mở rộng sản xuất, đầu tư hoàn thiện sản phẩm, tăng cường quảng bá, giới thiệu, nâng giá trị sản phẩm OCOP từ 10-20% trở lên. Qua đó, đưa doanh số bán hàng tăng 20-50%.
Điển hình như HTX nông sản nếp vải Ôn Lương. Bà Ma Thị Thúy Lan, thành viên HTX, cho biết: Sau khi gạo nếp vải Ôn Lương được công nhận sản phẩm OCOP vào cuối năm 2021, HTX chú trọng đầu tư mẫu mã, bao bì và tem truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách hàng. Chúng tôi cũng tham gia nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; quảng bá qua các kênh thương mại điện tử và trên nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook... để tìm kiếm những khách hàng và thị trường mới.
Với mục tiêu đưa sản phẩm OCOP lan toả, vươn xa hơn, huyện Phú Lương đang đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Các tổ chức, cá nhân cũng được tạo điều kiện tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại những chương trình, ngày lễ, hội chợ, festival nông sản trong và ngoài tỉnh; giới thiệu sản phẩm OCOP ở địa phương và trên sàn thương mại điện tử.
Có thể khẳng định, Chương trình OCOP đã tạo ra những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế nông thôn tại Phú Lương. OCOP đã và đang tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ; đáp ứng nhu cầu thị trường; nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Bà Nguyễn Thuý Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, khẳng định: Việc xây dựng sản phẩm OCOP đã tạo sự liên kết giữa các HTX với hộ gia đình để sản xuất theo quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời hình thành vùng nguyên liệu theo các quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, phục vụ sản xuất hàng hoá tập trung, quản lý chất lượng đồng bộ cũng như tăng cường năng lực chế biến và phát triển thị trường. Việc các sản phẩm được công nhận OCOP không chỉ phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường mà còn góp phần giúp các xã hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, trong 11 sản phẩm được chứng nhận OCOP của Phú Lương, có đến 8 sản phẩm chè, còn lại là mật ong, gạo và bánh chưng. Theo đánh giá, sản phẩm OCOP của huyện chưa phong phú, đa dạng về chủng loại và chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Bởi vậy, tăng số lượng sản phẩm tham gia từ những ý tưởng mới, nhất là các sản phẩm từ mô hình dịch vụ du lịch – truyền thống – lễ hội trong Chương trình OCOP là mục tiêu mà huyện Phú Lương đang phấn đấu đạt được trong giai đoạn tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin