Xác định xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm giúp các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các HTX đẩy mạnh công tác này.
Việc tích cực giới thiệu, quảng bá giúp sản phẩm của các HTX trên địa bàn tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng. |
“Trước đây, sản phẩm của chúng tôi chủ yếu là bán buôn cho thương lái, chứ chưa có thương hiệu. Cái tên trà Sơn Dung chỉ thực sự được nhiều bạn hàng biết đến khi HTX đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong vài năm gần đây” - chị Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc HTX trà Sơn Dung (TP.Thái Nguyên) bộc bạch như vậy về việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của đơn vị.
Với mục tiêu phát triển thương hiệu trà của gia đình, cuối năm 2018, chị Trang đã quyết định thành lập HTX trà Sơn Dung; đồng thời, liên tục tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Riêng năm 2022, HTX đã tham gia 15 chương trình giới thiệu sản phẩm tại các địa phương.
Chị Trang chia sẻ thêm: Thông qua việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, sản phẩm của HTX được nhiều người quan tâm, biết đến và tìm hiểu. Từ chỗ mua sản phẩm về dùng thử, nhiều khách hàng đã bị sản phẩm của HTX chinh phục, rồi mua về sử dụng thường xuyên, làm quà biếu và lan tỏa thêm đến nhiều người khác. Đây cũng chính là "bí quyết" mở rộng thị trường tiêu thụ của HTX trà Sơn Dung. Đến nay, sản phẩm của chúng tôi đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước, một số sản phẩm được xuất khẩu thường xuyên sang thị trường Nga. Trung bình mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường trên 200 tấn chè búp khô các loại, trong đó lượng hàng bán lẻ tăng gấp đôi so với khoảng 5 năm trước.
Không đơn thuần là quảng bá sản phẩm của HTX và tìm kiếm bạn hàng, việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại còn là dịp để các HTX cọ xát, học hỏi kinh nghiệm để nâng cấp sản phẩm. Bên cạnh việc tham gia các hội chợ thương mại, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội.
Hình thức quảng bá cũng ngày càng đa dạng, bằng các thông tin ngắn gọn về sản phẩm, hình ảnh bắt mắt hay livestream (phát sóng trực tiếp) trên mạng xã hội... Từ đây, việc ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh, giao dịch qua mạng, thanh toán không dùng tiền mặt… được các HTX áp dụng triệt để.
Ông Lê Đức Thuận, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất miến Việt Cường (Đồng Hỷ), cho biết: Nếu như trước đây, khách hàng thường đến tận nơi xem miến, lấy hàng thì nay chúng tôi đa phần giao dịch qua điện thoại, Facebook, Zalo… Sau khi xác nhận số lượng, thông tin khách hàng, chúng tôi sẽ đóng gói và giao hàng qua các đơn vị chuyển phát nhanh, doanh nghiệp vận tải. Nhờ vậy, việc tiêu thụ ngày càng thuận lợi, HTX cũng có thêm nhiều bạn hàng mới ở miền Trung, miền Nam…
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 718 HTX, trong đó có gần 500 HTX nông nghiệp. Thời gian qua, các HTX đã không ngừng cải tiến về chủng loại, mẫu mã và chất lượng, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, với nhiều sản phẩm quen thuộc, như: chè, miến, mỳ gạo, trái cây… Ở nhiều HTX, mạng lưới tiêu thụ đã được mở rộng khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Để có được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi HTX, còn có sự hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan trong việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các HTX. Trong đó không thể không kể đến vai trò của Liên minh HTX tỉnh.
Chỉ tính riêng năm 2022, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức cho trên 60 lượt HTX tham gia trưng bày, giới thiệu và kết nối cung cầu sản phẩm tại các sự kiện lớn như: Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tại tỉnh Sơn La; Festival nông sản và sản phẩm OCOP gắn với du lịch Hà Nội; hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm - Thái Nguyên 2022; hội chợ xúc tiến thương mại cho các HTX Coop-Expo 2022 do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức tại Hà Nội… Đáng chú ý, cuối năm 2022, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức Tuần lễ trưng bày, giới thiệu sản phẩm các HTX và doanh nghiệp thành viên, với quy mô 53 gian hàng của 28 tỉnh, thành phố.
Nhằm đưa sản phẩm của các HTX đến với đông đảo người tiêu dùng, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Đến nay, đã có 129 sản phẩm OCOP và gần 1.000 sản phẩm khác được khởi tạo gian hàng trên cả 2 sàn Voso và Postmart. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh cũng đã phối hợp với VNPT tư vấn, hỗ trợ 13.300 tem truy xuất nguồn gốc cho các HTX; thực hiện hỗ trợ 10 HTX xây dựng và quản lý website bán hàng và khởi tạo 50 gian hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee; duy trì việc truyền thông, kết nối tiêu thụ hỗ trợ các HTX trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và hoạt động thông qua fanpage Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên… Ngoài ra, đơn vị cũng mở nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các HTX, trong đó có kỹ năng xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm của các HTX đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, thậm chí phát triển ra thị trường nước ngoài. Từ đây, các HTX có cơ hội tìm kiếm các đối tác để thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2022, mặc dù tiếp tục chịu tác động của thiên tai, dịch bệnh, song tỷ lệ tăng doanh thu bình quân của các HTX đạt 10-15%/năm; thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong HTX nông nghiệp đạt 4-4,5 triệu đồng/người/tháng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin